Sang chấn tâm lý – Sự trống rỗng

Sang chấn tâm lý – Sự trống rỗng

Sang chấn tâm lý – Một dạng thức cho sự trống rỗng của tâm trí

1. Giới thiệu

Trống rỗng có phải là một trạng thái tâm lý mà ai cũng phải một lần trải qua trong đời? Tại sao sự hiện hữu của một điều “không thực” lại có sức ảnh hưởng đến vậy? Tại sao khi đối mặt với trạng thái “không cảm nhận được mình đang sống”, con người ta lại bứt rứt muốn thoát ra đến cùng cực? Tại sao một cuộc đời không có ý nghĩa bao giờ cũng tệ? Và dẫu rằng chắc hẳn có cách để thoát ra sự trống rỗng, nhưng những người trong tình cảnh đó lại chẳng hề dễ dàng để làm khác đi? Tại sao vậy?


Trong bài viết này mình muốn chia sẻ một quyển sách có ý nghĩa lớn trong hành trình chữa lành của mình – hành trình mà mình đang đi để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi không lời đáp. Đó là quyển sách: “Sang chấn tâm lý: Hiểu để chữa lành” – Bessel Van Der Kold, M.D, dịch giả: Lê Phan Như Quỳnh.

Đây là quyển sách đánh dấu một nấc thang mới trong cuộc đời mình khi mà mọi cảm giác khó hiểu mà mình từng trải qua bắt đầu thành hình và mường tượng được.

Mình đã đọc rất kỹ quyển sách trong hai tuần và ghi lại một số thông tin mà mình cảm thấy hữu ích. Dưới đây là bài viết tóm tắt và chia sẻ cá nhân của mình về quyển sách này:


2. Lý do tác giả viết cuốn sách này?

“Khi anh cố khuyên tôi hãy suy nghĩ, điều đó làm tôi cảm thấy cô đơn và cô lập hơn nữa vì nó xác nhận cảm giác của tôi rằng chẳng ai trên đời này có thể hiểu được cảm giác của tôi.”

Khi ai đó mỉm cười với bạn và bạn không thể đáp lại điều đó một cách tự nhiên: “Không phải vì người đó quá xa lạ mà bởi lẽ ẩn sâu bên trong là tiềm thức của bạn chưa từng nghĩ rằng mình sẽ được chào đón bởi một ai đó. Điều đó được diễn giải một cách sai lệch “hoàn hảo” trong cấu trúc thần kinh của tâm trí bạn.”

Tiến sĩ Bessel Van Der Kold, M.D đã giải thích cho những vấn đề trong tâm trí của chúng ta dẫn tới sự trống rỗng. Khi mà nền khoa học tâm lý thần kinh sáng lên bởi những thành tựu thuốc mới để cắt giảm, ức chế hay hoạt hóa cách thức hoạt động của hệ thần kinh bị tổn thương, Bessel Van Der Kold cảm thấy ngột ngạt vì mục tiêu của một số nhà khoa học đương thời khác xa với cách thức tiếp cận của ông về rối loạn thần kinh.

Ông phát triển các mô hình chữa lành của mình bằng cách nghe câu chuyện của các bệnh nhân và trải nghiệm của họ, câu trả lời của bệnh nhân chính là thước đo cho quá trình điều trị. Nhưng một vài trong số những câu trả lời đó không thực, họ không sẵn lòng chia sẻ hoặc không thể đối mặt với quá khứ của chính mình.

“Những nguyên nhân chính của mọi nỗi đau khổ của bệnh nhân chính là những lời nói dối mà bệnh nhân tự rỉ vào tai họ”


Ông đã từng gặp một trường hợp bệnh nhân trở về sau Chiến tranh Việt Nam. Vị cựu chiến binh này trở thành một người trống rỗng, không thể gần gũi được với vợ, không thể chia sẻ tình cảm cho con cái và luôn tìm cách giải tỏa mình bằng tốc độ và các chất kích thích. Không ai nghĩ rằng ông đã từng là một người đàn ông giỏi giao tiếp, đầy vị tha, là một người chồng tuyệt vời và người cha mẫu mực. Các bác sĩ tâm lý cho rằng ông bị chứng rối loạn thần kinh, ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần sau khi kể về trải nghiệm hình dung cảnh những em bé bị nổ tung, máu me đầy mặt khi đang ở nhà của mình.

Nhưng Bessel Dan Ver Kold lại không nghĩ vậy, điều này thôi thúc ông đi sâu vào tìm hiểu điều gì đã xảy ra, những trải nghiệm kinh hoàng thời chiến đã có tác động gì đến người đàn ông đó, và ký ức có thể trở về nguyên vẹn với đầy những cảm xúc thực như vậy hay không?

“Những gì ta thấy, những vấn đề hiển hiện thường chỉ là dấu hiệu của một vấn đề thực sự, đang bị thời gian vùi lấp, đang bị che dấu bởi sự xấu hổ bí mật và đôi khi mất trí nhớ của bệnh nhân và sự khó chịu của bác sĩ lâm sàng.”


3. Câu chuyện của những bệnh nhân

Tiến sĩ Bessel Dan Ver Kold đã làm các thí nghiệm cho nghiên cứu của mình, các bệnh nhân đến với ông để kể về các trải nghiệm kinh hoàng thời thơ ấu của mình. Phần lớn trong số đó nhắc đến quá khứ bị lạm dụng tình dục bởi chính ruột thịt của họ. Một số đã từng chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, nhìn cảnh người thân bị đánh đập, thậm chí chính họ đã từng là nạn nhân của các hành vi vô nhân tính đó, họ không có ai bảo vệ và cũng không có khả năng tự bảo vệ cho chính mình. Cho đến thời điểm đó, ông vẫn chưa từng nghĩ rằng sẽ có nhiều người chịu nhiều tổn thương đến thế trong chính ngôi nhà mà họ lớn lên.

“Tôi cảm thấy bên trong mình đã chết rồi”, “Tôi sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được cảm xúc bình thường nữa”, “Tôi cảm thấy mình không còn biết mình là ai”, “Tôi cảm thấy mình như một món đồ, không giống như một con người”.

Hầu hết những bệnh nhân đến với ông đều trải qua cảm xúc tương tự, họ không nhìn nhận được mình dưới nhân dạng một con người, và không ý thức được chính mình trong những hoạt động thường nhật. Đặc biệt đối với những người đã từng trải nghiệm quá khứ kinh hoàng. Những ký ức sâu xa và ký ức thường ngày quá khác biệt, họ làm công việc thường ngày nhưng không thực sự thấy mình đang sống hay đang hiện hữu. Họ hiếm khi kết nối được những gì diễn ra từ lâu với những cảm xúc, hành vi của họ ở hiện tại. Mọi thứ dường như nằm ngoài  tầm kiểm soát.

“Mình đang đối diện với một thực tế kép: Cái thực tế tương đối an toàn và có thể tiên đoán được đang tồn tại song song với một quá khứ hoang tàn, chưa bao giờ bị lãng quên.”

Ở bài viết sau mình sẽ giới thiệu thêm về những điểm chung mà tác giả đã tìm ra qua những câu chuyện đó, những giải thích khoa học ẩn sâu những cảm xúc khác thường mà các bệnh nhân đã và đang phải trải qua.


Photo by Josh McCausland on Unsplash

To be continued…

-Aleneutral-

Subscribe
Notify of
guest

1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
trackback

[…] Ở phần trước mình đã ghi lại những câu chuyện trong cuốn sách về các cựu chiến binh sau chiến tranh, những nạn nhân bị lạm dụng tình dục thuở bé hoặc những người đã từng trải qua một hay nhiều những biến cố kinh hoàng. Điểm chung ở họ là đều phải đối mặt với một trạng thái tâm lý khó khăn, đến mức vượt ra ngoài sức chịu đựng của cơ thể nhưng bản thân lại không có cách nào để giải thoát. Những chấn động đã để lại trong tâm trí họ một dạng ký ức phân ly, độc lập và tách biệt với những ký ức thông thường. Bạn có thể đọc lại bài viết trước tại đây. […]

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x