Thanh niên trẻ Việt Nam bảo tồn động vật hoang dã

Thanh niên trẻ Việt Nam bảo tồn động vật hoang dã

Mình tham gia một khóa đào tạo về “Thanh viên trẻ Việt Nam bảo tồn động vật hoang dã” được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến kết nối cựu sinh – Alumni Engagement Innovation Fund (AEIF) 2021 do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ và là dự án duy nhất tại Việt Nam được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lựa chọn trong năm 2021. Đây là một khóa đào tạo 5 buổi về những vấn đề chung của Động vật hoang dã tại Việt Nam để gia tăng nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường. Sau các buổi đào tạo, chúng mình sẽ được làm dự án và những đội xuất sắc sẽ được đi tham quan vườn Quốc Gia Cúc Phương trong vòng 6 ngày. Toàn bộ chi phí cho chuyến đi này đều được đài thọ bởi ban tổ chức.

Mình tìm được chúng trên trang iVolunteer – một trang thông tin về các chương trình tình nguyện, kỹ năng, khóa học,.. cho các bạn trẻ. Tại websites này, mình đã tìm được rất nhiều thông tin về các tổ chức tình nguyện và tổ chức phi chính phủ. Mọi người có thể tham khảo để biết thêm nhiều thông tin bổ ích.


Trở lại với Chương trình “Thanh niên trẻ Việt Nam bảo tồn Động vật hoang dã” YCSW, các buổi học của chương trình được diễn ra vào thứ bảy hằng tuần. Tụi mình cùng họp mặt qua zoom và tương tác với diễn giả. Mỗi buổi học được tổ chức trong một buổi sáng hoặc chiều và kéo dài trong 2 tiếng. Các diễn giả đều là người có chuyên môn và nhiều năm kinh nghiệm trong việc Tuyên truyền Bảo vệ môi trường và Bảo tồn Động vật hoang dã.

Dưới đây là hình ảnh về hai diễn giả của hai buổi tập huấn đầu tiên. Hình ảnh minh họa được lấy từ nhóm kín Thanh niên trẻ Bảo tồn Động vật hoang dã (Young Conversationists Save the Wildlife – YCSW) trên Facebook.

Buổi họp thứ nhất chúng mình được chị Nguyễn Thị Thùy – chị có hơn 10 năm kinh nghiệm về lĩnh vực sinh thái, nhận bằng tiến sĩ về sinh thái rừng tại Đại học Melbourne, Australia. Chị và các bạn trẻ khác đã thành lập nên Actions for Climate Change and Diversittty (ACCB) là một tổ chức tình nguyện để Bảo vệ hệ sinh thái rừng. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về tổ chức này thông qua trang Facebook ACCB. Mình đã tìm thấy những thông tin rất chất lượng về Rừng và hệ sinh thái tại đây.

Trở lại với chương trình YCSW, chị Thùy mang đến cho tụi mình bài thuyết trình về chủ đề “Rừng và biến đổi khí hậu”. Trong buổi trao đổi, tụi mình được học về quá trình quang hợp của lá cây và vai trò của cây trong cuộc sống con người. Trong đó chị nhấn mạnh về tầm quan trọng của cây trong việc cân bằng hệ sinh thái, giúp giảm thải và cân bằng lượng khí sạch trong không khí.

Ở phần tiếp theo, chị đưa ra những số liệu về việc phát thải trong đời sống. Việc ô nhiễm môi trường đến từ những nguyên nhân chủ yếu nào, hiện trạng, nguy cơ của rừng và đề xuất những giải pháp giúp bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Đây là một hình ảnh số liệu về việc phát thải khí CO2 tại các khu vực, độ đậm màu cho thấy lượng CO2 bình quân đầu người càng cao. Việc phát thải đã trở thành một vấn đề đáng báo động. Đặc biệt ở các nước có ngành công nghiệp nặng phát triển mạnh như Trung Quốc hay Bắc Mỹ.

Buổi họp thứ hai mình được học cùng anh Cao Minh Châu – anh đã có kinh nghiệm tổ chức thành công 50 chương trình về Bảo tồn ĐVHD. Anh hiện đang là CEO của Beematie, một công ty cổ phần công nghệ giáo dục để nâng cao nhận thức về lĩnh vực này. Anh cũng đồng thời là cố vấn cho CLB Wildhand – một CLB chia sẻ kiến thức và sự kiện về Bảo tồn Động vật hoang dã. Các bạn có thể tìm thấy Fanpage Wildhand trên Facebook, mình đã tìm thấy những thông tin rất bổ ích tại đây. Các bạn cũng có thể kết nối và đồng hành cùng CLB bằng cách đăng ký tham gia làm cộng tác viên/thành viên của CLB trên trang Fanpage của Wildhand.

Trở lại với chương trình YSWC, anh Minh Châu mang đến cho tụi mình bài thuyết trình về chủ đề “Động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam”. Xuyên suốt bài thuyết trình, anh đã đem đến cho tụi mình những câu chuyện vô cùng truyền cảm hứng: từ việc bảo vệ những cá thể tê tê đang bị thương ở biên giới cho tới trải nghiệm phơi nắng trên bờ để tìm kiếm những cá thể rùa Shinhoe cuối cùng. Những câu chuyện của anh đã truyền cho chúng mình nhận thức rõ nét về Bảo tồn Hệ sinh thái nói chung và Bảo tồn Động vật hoang dã nói riêng.

Ở phần nội dung chính, anh giới thiệu cho chúng mình về hai nhóm loài (Linh trưởng và Rùa). Trong hai nhóm loài này còn được chia thành rất nhiều loài khác nhau, điển hình như Linh trưởng gồm 6 loài riêng biệt (culi, vượn, voọc, vọoc mũi hếch, chà vá, khỉ) và Rùa thì được chia thành 4 loài riêng biệt (rùa đầm, rùa núi, rùa mai mềm, rùa đầu to). Anh chia sẻ cho chúng mình về đặc tính của mỗi loài và tính nguy cấp của chúng. Anh cũng hướng dẫn cách mà chúng mình có thể liên hệ với trung tâm để xử lý các hành vi mua bán/giam giữ động vật hoang dã trái phép nếu bắt gặp ở địa phương.


Vậy là kết thúc buổi chia sẻ đầu tiên. Ở buổi tiếp theo, chúng mình sẽ được lắng nghe chia sẻ từ hai diễn giả nổi bật khác trong lĩnh vực. Mình đã biết thêm nhiều thông tin về việc Bảo tồn Động vật hoang dã. Để tổng kết lại buổi chia sẻ này, mình muốn gửi đến các bạn một số cách mà chúng mình có thể làm để đóng góp vào việc Bảo vệ Động vật hoang dã như sau:

  • Theo dõi các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, CLB về Bảo tồn ĐVHD (ENV, Wildhand, IUCN, Save VN’s Wildlife, Gaia Nature Conversation, WWF,…)
  • Chia sẻ kiến thức, tính cấp thiết của Bảo tồn ĐVHD đến những người bạn có ảnh hưởng (người thân, bạn bè, các mối quan hệ trên mạng xã hội).
  • Tham gia các hoạt động Bảo tồn, Bảo vệ môi trường được tổ chức bởi các CLB, trường cấp hai/cấp ba/Đại học, chính quyền địa phương.
  • Liên hệ với trung tâm Bảo tồn ĐVHD nếu bắt gặp trường hợp gìn giữ/buôn bán ĐVHD trái phép (Hotline: 1800 1522) | Để cụ thể hơn về các trường hợp trái phép, mình sẽ chia sẻ thông tin trong bài viết tiếp theo.

-Aleneutral-

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x