Chào mọi người,
Mừng mọi người đến với blog tháng 10.
Tháng 10 này mọi người thế nào? Có điều gì khiến mọi người tự hào?
Đối với mình thì tháng 10 này có rất nhiều điều mới mẻ: Từ chuyển chỗ ở, công việc mới, mối quan hệ mới, chỗ học mới, lịch sinh hoạt mới,…. đến nhiều bài học mới. Những sự thay đổi mới mẻ đó khiến mình luôn cảm thấy hào hứng.
Nhưng tất nhiên cũng không thể tránh được những cảm xúc tiêu cực. Điển hình như mình đã trải qua những cảm xúc vô cùng bứt rứt và khó chịu vào những ngày đầu tiên đi làm.
Trong bài viết này mình có viết về những cố gắng của mình để cân bằng cảm xúc trong những ngày đầu tiên đó. Đồng thời lồng ghép chúng với những bài học trong một mối quan hệ.
Mình nghĩ rằng có thể bạn cũng đã từng trải qua những cảm xúc tương tự. Mong rằng bạn có thể tìm thấy một điều gì đó gần gũi ở đây. Nào, còn giờ thì cùng mình bắt đầu nhé.
- 1. Đôi nét về những ngày đầu đi làm
- 1. Giao tiếp: Chìa khóa của mọi mối quan hệ
- 2. Mối quan hệ bền vững là khi cả hai cùng thắng
- 3. Để lâu dài rất cần sự cố gắng của cả đôi bên
- 4. Biết cách cảm thấy đủ
- 5. Nếu không thể cho đi, thì cũng không có quyền đòi hỏi
- 6. Đừng để sự hiểu lầm giết chết mối quan hệ
- 7. Học cách kiên nhẫn để thấy được những điều đẹp đẽ
- 8. Học cách nhẫn nại để có được điều mình muốn
1. Đôi nét về những ngày đầu đi làm
Mình vào làm thực tập sinh cho một công ty chuyên về dịch vụ tính lương, thuế và pháp lý. Mình được giao những công việc tương đương với năng lực và được hướng dẫn để làm quen với công việc khi mới bắt đầu.
Sẽ có một chị hướng dẫn mình trong những ngày đầu tiên làm thực tập sinh. Nhưng chị ấy lại nghỉ đúng thời điểm mình mới đi làm và cả những ngày sau đó. Cả team bận rộn giải quyết khối lượng công việc nhiều hơn nên không thể chỉ dẫn cho mình được. Thế nên trong những ngày đầu tiên đó, mình chỉ đến công ty và …không làm gì cả.
Mình đã rất buồn và chán nản. Nhưng sau đó thì mọi chuyện cũng đã tiến triển tốt đẹp hơn. Và dưới đây là những bài học mình có được sau khi xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc. Mình có gọi tên những cảm xúc đó như là những bài học trong một mối quan hệ. Cùng tìm hiểu xem chúng là gì nhé!
1. Giao tiếp: Chìa khóa của mọi mối quan hệ
Mỗi ngày đi làm như thế này mình sẽ biết được nhiều thứ, về việc trạng thái của mình cho đến làm sao để duy trì năng suất cho mỗi ngày. Hôm nay mới là ngày thứ ba đi làm thôi mà mình thấy dài đằng đẵng như cả hàng tháng trôi qua rồi. Quả thực là, đây gọi là bán mình cho tư bản – nhưng giá trị của mình bao nhiêu, mình có biết chứ?
Và có một điều mình quan sát được đó chính là: Sự giao tiếp ngày càng đi đến ngỏ cụt. Mình xuất hiện những cảm xúc không vui vẻ và dường như đó là những trải nghiệm rất tự nhiên. Sau này mình chợt nhận ra, giao tiếp chính là chìa khóa của mọi mối quan hệ. Và trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy, cần thấu hiểu cho nhau, một người dấn thân lên trước, thay vì để những suy nghĩ lên ngôi.
2. Mối quan hệ bền vững là khi cả hai cùng thắng
Mình có cảm xúc ngày càng chán nản và phụ thuộc. Phần vì mình không được phân nhiều việc để làm, phần vì chẳng có ai quan tâm đến việc mình có thể làm được việc cả. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, mình cũng chẳng chủ động làm việc để phát triển trong công ty, không chủ động hỏi về những công việc mình được giao. Mỗi ngày trôi qua không hẳn là lãng phí nhưng công ty đã không tận dụng được mình và ngược lại mình cũng không tận dụng được họ. Mình không biết liệu điều này có thể kéo dài được bao lâu.
Mình đã từng nghĩ việc làm một công việc cố định sẽ đảm bảo cho mình về nhiều mặt trong cuộc sống, ít nhất là mình không phải lo nghĩ về mặt tài chính. Nhưng đến lúc này có lẽ mình cần phải suy nghĩ lại. Một công việc cố định không thể hiệu quả khi mình không nhìn thấy tiềm lực của bản thân được phát triển trong công việc này. Rõ ràng trong tình huống này đã thiếu đi sự giao tiếp giữa các bên. Và mối quan hệ này không giúp đạt được lợi ích tối ưu của cả hai bên.
Để có thể phát triển lâu dài cùng nhau, nhất thiết phải có sự cộng hưởng qua lại. Mình không phải là người đang đòi hỏi và công ty cũng vậy. Khi cả hai đều đạt được những lợi ích mà mình đang mong đợi thì đó là một mối quan hệ cùng thắng. Và khi cả hai cùng thắng thì rất khó để có thể tách rời.
3. Để lâu dài rất cần sự cố gắng của cả đôi bên
Nhưng nếu mình không tiếp cận mà chỉ mong chờ, mình sẽ chẳng bao giờ đạt được điều mình muốn. Quan trọng vẫn là điều mình muốn là gì? Mình có thực sự muốn phát triển trong công việc hay không? Có muốn nhận được nhiều việc hơn hay không? Có muốn tự mày mò và thảo luận về hướng giải quyết hay không? Hay chỉ đơn thuần là ngồi đó và tự suy diễn về những điều lẽ ra, nên là mà người sếp của mình cần có.
Đúng là khi tuyển dụng một nhân viên nào đó, công ty cần đề ra một lộ trình rõ ràng để đào tạo và phát triển nhân viên đó. Nếu không, nhân viên có thể đi tìm một bến bờ khác trọng dụng và đánh giá cao giá trị của họ hơn.
Nhưng việc tìm kiếm cũng không hề dễ dàng mà Phụng. Tìm được một nơi mà mình phù hợp với họ và họ cũng phù hợp với mình đâu phải là điều dễ dàng. Mình cảm thấy rằng nếu có thể tìm được, phải giữ cho chắc. Mình cần tìm mọi cách để thích nghi thay vì liên tục thay đổi và tìm kiếm. Đến một lúc mình sẽ nhận ra, có những công việc chỉ vì những sự bất hòa nhất thời mà mình chọn lựa rời đi, rồi đổi lại bằng sự tiếc nuối. Có lẽ là trong thoáng chốc mình đã thực sự tiếc nuối, mình nghĩ vậy.
4. Biết cách cảm thấy đủ
Ít nhất thì mình cũng được làm việc. Nhiêu đó thôi cũng đủ rồi.
Mình nghĩ cũng chỉ cần như vậy thôi là đủ rồi.
5. Nếu không thể cho đi, thì cũng không có quyền đòi hỏi
Mình thực sự rất buồn luôn ý. Không biết là mình có đang sai ở đâu ko nữa. Mình không muốn bỏ cuộc quá sớm đâu. Nhưng sao một ngày lại không có việc thế này.
Thì ra đi làm công ty là như thế này sao. Thôi được rồi, nếu vậy thì chấp nhận thôi. Mình cũng đã lỡ chọn lựa rồi.
Một phần muốn và một phần không muốn: Nếu mình thực sự muốn làm công việc này thì mình đã chủ động rồi. Cảm xúc của mình, không được để người khác kiểm soát. Cũng không thể đòi hỏi người khác phải thay đổi. Mình phải hành xử như thế nào để vừa phải phép, vừa là chính mình. Nếu mình muốn điều gì, nhu cầu của mình là gì – cần xác định cho rõ ràng. Sau đó hãy chủ động dành lấy điều mình muốn. Nếu mình không thực sự muốn, thì mình cũng không có quyền đòi hỏi. Mục tiêu của mình cũng là dành thời gian để tìm hiểu thêm về bảo hiểm và các dự án cá nhân. Mình cũng không thể đòi hỏi gì nhiều thêm.
Công việc cũng giống như bao môi trường khác, không hoàn toàn nằm ở tính chất công việc hay đồng nghiệp, mà còn nằm ở bản thân mình nữa.
6. Đừng để sự hiểu lầm giết chết mối quan hệ
Nay mình có việc rồi đấy. Thì ra những bữa này là chị ấy muốn mình xem lại file và take note những lỗi sai. Nhưng mình không hiểu ý của chị ấy.
Và hai người hiểu lầm nhau. Mình biết là sẽ có nhiều hiểu lầm hơn nữa trong đời sống công sở này. Nếu không thể trở thành những cộng sự có thể giúp đỡ nhau thì rất khó để có thể làm ôn hòa mối quan hệ sếp – nhân viên như thế này.
Nhưng mà thôi, cứ làm những việc mình được giao, chấp nhận hiện thực vì đây là điều mình đã chọn. Và tìm kiếm những điều tốt đẹp ở đó. Chỉ có thể thì mình mới sống trọn vẹn được.
7. Học cách kiên nhẫn để thấy được những điều đẹp đẽ
Những ngày gần đây, mình nhiều việc hơn rồi. Và mối quan hệ của các bên cũng đã tốt hơn. Mình nhận ra là, à, cần một chút kiên nhẫn để đôi bên cùng hiểu nhau hơn. Giống như công ty trước đó của mình cũng vậy. Chỉ vì không thể giao tiếp được về những suy nghĩ và mong đợi ở đôi bên mà mình đã đánh mất đi cơ hội được phát triển lâu dài tại đó.
Nhưng mọi thứ đi qua đều để lại những bài học. Và việc học cách kiên nhẫn là điều nên làm khi đến với một mối quan hệ lâu dài.
Mình vốn không thích công việc toàn thời gian, nhưng không thể phủ nhận là chúng giúp mình học được nhiều thứ. Từ việc sắp xếp lịch sinh hoạt như thế nào cho phù hợp đến việc duy trì lịch sinh hoạt ra sao để duy trì năng lượng. Phải dành bao nhiêu thời gian cho việc làm, bao nhiêu thời gian để nấu ăn, đi tập, đi học. Nên đi tập vào buổi sáng hay buổi tối. Khi nào thì năng lượng tốt hơn để làm hoạt động này hay hoạt động khác?
Và việc cam kết với một công việc lâu dài cũng giúp cho sự phát triển được bền vững hơn. Vì mình dành 8h mỗi ngày ở công ty, dù muốn hay không, chắc chắn mình cũng sẽ học được điều gì đó.
8. Học cách nhẫn nại để có được điều mình muốn
Vậy là kết thúc tháng 10 và những suy nghĩ về một công việc toàn thời gian. Về sau này công việc mình nhiều hơn nên mình cũng không còn nhiều những tâm sự nữa. Nhưng mình cảm thấy mình đã học được một bài học lớn về sự nhẫn nại.
Tính nhẫn nại cũng xuất hiện qua những dự án nhỏ về thiết kế mà mình học, những bài viết mỗi tháng. Mình nhận ra được rằng là: Nếu có thể đủ kiên nhẫn để chấp nhận những cảm giác khó và tiếp tục, mình sẽ có thể tìm được cảm giác mà mình mong muốn ở cuối cuộc hành trình. Và đó chính là lúc mọi thứ được sống trọn vẹn nhất. Chỉ cần mình đủ yêu thích và tin tưởng, mình sẽ luôn có lý do để ở lại.
Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này,
Hẹn gặp lại bạn trong bài viết sắp tới.
-Aleneutral-