Xin chào! Chào mừng mọi người đến với Blog tháng 08!
Tháng 08 này cuộc sống mình có nhiều biến chuyển mới. Mình khởi tạo một hệ thống để quản lý thời gian và ghi chép lại chúng. Có nhiều điều mà mình nhận ra được từ việc sử dụng thời gian của bản thân và những mối liên hệ của chúng tới cảm xúc cá nhân. Những bài học này giúp mình nhận ra và hướng đến sự phát triển hạnh phúc bền vững – Wellness.
1. Đôi nét về Wellness
Trong từ điển dictionary.com, Wellness chính là trạng thái khỏe mạnh trong cơ thể và trí óc, đặc biệt được xem là kết quả của nỗ lực khai phóng. Mình rất thích về khái niệm này thay vì định nghĩa cuộc sống hạnh phúc chỉ duy về tâm lý hoặc thể chất. Sau nhiều năm đối mặt với sang chấn và những vấn đề tâm lý, mình biết được rằng hạnh phúc thực sự xuất phát từ sự kết nối sâu sắc với cơ thể và với thế giới. Mà trạng thái thể chất chính là một yếu tố quan trọng để đạt đến sự hạnh phúc bền vững – Wellness.
Vào những năm 1990, Nhà tâm lý học Martin Seligman đã có khám phá về Tâm lý học tích cực, ông có nói rằng trạng thái Wellness chính là tổng hòa của nhiều thành tố, và ông đã phát triển mô hình Permah để diễn tả về các thành tố đó.
Trong mô hình Permah, thì điểm đầu tiên để đạt được trạng thái hạnh phúc này là tích cực. Cần phải có một nguồn năng lượng tích cực để có thể đạt được cũng như duy trì trạng thái hạnh phúc này. Đó cũng là điều mình nhận ra gần đây, khi mình thay đổi quan điểm sống :”Vấn đề không phải là để chán nản; vấn đề là để giải quyết”, mình nhận thấy mọi thứ đều dễ dàng hơn rất nhiều. Khi mình tích cực nhìn về những cách để giải quyết vấn đề, mình không còn bị những cảm xúc tiêu cực làm chùn bước nữa.
Trong mô hình này cũng có một thành tố khác là “Health” ý chỉ về sức khỏe. Như mình đã đề cập trong những bài viết trước, không có điều gì quan trọng với mình hơn sức khỏe vì đó chính là thứ đã kéo mình ra khỏi những năm tháng rất đau khổ. Tuy mình có những vết xước về tinh thần nhưng chính cơ thể khỏe mạnh đã góp phần tạo nên ý chí khỏe mạnh giúp mình làm lành lại những thương tổn.
Những thành tố khác tuy mình vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa thực sự của chúng nhưng mình tin rằng chúng cũng quan trọng không kém trong hành trình tìm đến hạnh phúc bền vững. Trong bài viết này mình muốn chia sẻ về câu chuyện tháng 08 của mình, những điều mình đã hệ thống về mối liên hệ giữa các cảm xúc. Đồng thời cũng lồng ghép một số ý nghĩa tích cực của sức khỏe. Đây là hai trong số những thành tố đóng góp nên Wellness trong mô hình Permah.
2. Tổng quan tháng 08
Trong tháng 08 này, cuộc sống tập trung vào một số công việc chính: học cầu lông, tạo hệ thống, trường đại học.
Trường đại học
Trường đại học hầu như chiếm hết quỹ thời gian của mình. Điều mà mình không mong đợi. Thứ nhất, mình không muốn dành quá nhiều thời gian ở trường đại học vì có một số kiến thức, kỹ năng mình cảm thấy không cần thiết cho hiện tại và tương lai. Thứ hai, mình có những dự tính muốn học và làm cho bản thân nhưng bài tập quá nhiều khiến mình cảm thấy không thể tập trung vào những điều quan trọng. Nhưng tất nhiên rằng điều này cũng mang đến cho mình một bài học về sự chọn lựa, rằng tất cả mọi thứ đều phải cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bắt đầu. Nhất là những sự lựa chọn cần sự cam kết lâu dài.
Cầu lông
Cầu lông là một môn thể thao mới, mình học được rất nhiều từ việc đánh cầu: khả năng linh hoạt, xử lý vấn đề, cách học, khả năng vận động,… và mình cũng đã dự tính viết một bài blog về những bài học mình có được khi học cầu lông. Nhưng vào những ngày cuối mình chợt nhận ra hệ thống có vẻ thích hợp hơn cho tháng này, chính vì vậy mình đã thay đổi chủ đề trong tíc tắc.
Tạo hệ thống
Tạo hệ thống là một suy nghĩ đơn giản, mình chỉ muốn ghi chú lại khoảng chi tiêu trong tháng 08. Nhưng sau khi viết nhiều hơn, mình hình thành những bảng biểu và sự kết nối. Mình cảm thấy những biểu đồ giúp mình nhìn lại những cảm xúc, công việc, chi tiêu, ăn uống của mình một cách có hệ thống hơn. Và điều này cũng giúp mình đưa ra một số những bài học dễ dàng hơn.
Trong bài viết này, mình muốn đề cập tới việc quản lý công việc và cảm xúc của mình thông qua một số biểu đồ. Và liên hệ chúng với cảm xúc tích cực và sức khỏe. Mình mong rằng chút ít những chia sẻ này có thể truyền cảm hứng hoặc giúp ích cho mọi người theo một cách nào đó. Cùng mình bắt đầu nhé !
3. Quản lý công việc và cảm xúc
Tuần 01
Tuần 01 mình dành 58.5% thời gian của mình cho công việc trên trường đại học nhưng mình cảm thấy không mang lại quá nhiều lợi tức. Phần lớn thời gian đó mình cảm thấy không hạnh phúc, vì mình làm việc một mình và mình có khá nhiều những mối lo toan trong thời điểm đó.
Những cảm xúc bâng khuâng, áy náy, không thực xuất phát từ việc mình vướng mắc bởi những vấn đề chưa thể giải quyết. Mình luôn cảm thấy không đủ và không thực sự hiện diện. Mình luôn mong muốn ai đó hoặc điều gì đó có thể mang lại hạnh phúc cho chính mình nhưng mình lại không thực sự tìm đến giải pháp. Thứ nhất vì nó khó, thứ hai vì mình không thực sự tập trung để giải quyết nó. Khi mình không thể đặt thứ tự ưu tiên để giải quyết các vấn đề, mình sẽ không thể nào sống trọn vẹn được.
Những cảm xúc hứng khởi, rõ ràng lại bắt nguồn từ thể thao. Mình cảm thấy rất rất vui sau khi đi đánh cầu lông. Phần vì mình mới chơi, mọi thứ rất mới lạ. Phần vì mình được kết nối với nhiều người khác, mình cảm thấy rất vui. Nhưng nó cũng chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi trong ngày, sau đó mình vẫn quay về với trạng thái cũ.
Đây chính là một dấu hiệu, cho thấy mình cần phải thực sự giải quyết những vấn đề để có thể sống trọn vẹn hoặc dẹp bỏ chúng sang một bên để tập trung vào cuộc sống hiện tại.
Tuần 02
Mình vẫn dành 50% cho trường đại học nhưng phân bổ nhiều thời gian cho các hoạt động khác trong đó có đi chơi. Ngoài ra, mình còn phân bổ thời gian cho các hoạt động khác như đàn ghita, đọc sách, vẽ, xem video,… giúp mình cân bằng lại cảm xúc. Tuy nhiên phần lớn thời gian mình vẫn cảm thấy không thực.
Những cảm xúc không tập trung, tức giận, không vừa ý, lo lắng, mơ hồ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng mình nghĩ mấu chốt là do sự không rõ ràng trong tư tưởng của mình, rằng mình chưa nhìn thấy vấn đề và chưa nhìn thấy hướng đi. Mình để những cảm xúc tiêu cực chi phối lên cuộc sống cũng chính vì điều đó.
Đi chơi là hoạt động chính giúp mang tới những cảm xúc tự tin, vui vẻ và mới mẻ. Thể thao mang lại sự hứng khởi. Nhưng mình vẫn có nhiều cảm giác không thực. Những cảm xúc tích cực nhất thời không thể mang lại sự hạnh phúc bền vững.
Tuần 03
Mình ít thời gian cho trường đại học hơn và nhiều thời gian để đi chơi hơn. Mình cũng dành một phần thời gian để vẽ – một hoạt động khá dễ chịu. Và tất nhiên, những cảm xúc vui vẻ, mới mẻ đều đến từ việc đi chơi. Việc tự ti cũng đến từ việc mình đi chơi, nhưng chúng không xấu. Ngược lại chúng khiến mình nhận ra nhiều thứ và dành thời gian đầu tư cho những điều phù hợp hơn trong tương lai. Việc đi chơi mang lại rất nhiều lợi tức.
Tuy vậy, mình vẫn còn có những cảm xúc tự ti, lạc hay lo lắng. Nhưng như đã nói, chúng không xấu vì mình nhìn ra hướng giải quyết ngay khi chúng xuất hiện. Những cảm giác này trở thành động lực để mình tiến về phía trước thay vì khiến mình chùn bước.
Tuần này cũng là lúc mình xuất hiện cảm xúc hạnh phúc, cảm xúc này xuất phát rất tự nhiên, yên ả, sau một giấc ngủ ngon. Nó mang đến cho mình những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Chỉ là những điều giản dị bình thường thôi nhưng lại mang đến kết quả rất đáng kể.
Một cảm giác nữa chính là tỉnh thức, mình có ghi chú lại trong về cảm giác này trong sheet hệ thống của mình như sau: “mình không biết phải gọi nó như thế nào nhưng mình cảm thấy hạnh phúc; mình đặt được trạng thái gắn bó với cơ thể: biết được khi nào thì làm việc, khi nào cần nghỉ ngơi, khi nào sẽ làm những việc gì; ý tưởng đến một cách rất dễ dàng; không cần gượng ép”. Đó chính là trạng thái tỉnh thức, mình yêu cảm giác này. Vì đây chính là lúc mình đến gần với bản thân mình nhất.
Nhưng cảm xúc này không dễ tìm kiếm. Nó đến từ việc mọi nhu cầu của mình được đáp ứng bởi chính sự cố gắng của mình. Mà lắm lúc, mình còn chẳng nhận ra nhu cầu thực sự của mình là gì.
Tuần 04
Mình dành phần lớn thời gian trong tuần này cho các hoạt động chính là trường đại học và đàn. Đàn có thể giúp mình cân bằng lại được cảm xúc, giống như việc vẽ. Tuy nhiên, tuần này cũng là lúc mình có nhiều cảm xúc tiêu cực nhất, buồn, rầu, khó chịu, bứt rứt, thậm chí ghét bỏ.
Mình nhận thấy những cảm xúc này phần lớn xuất phát từ việc mình không thể kết nối với thế giới như ý mình muốn. Có lẽ mình dành quá nhiều thời gian để ở một mình, làm việc trường đại học cũng một mình, đàn cũng một mình và xem video cũng một mình. Mình có một thế giới cho riêng mình nhưng nó khác với thế giới thực. Mình có thể vui vẻ khi ở một mình nhưng lại cảm thấy không thể kết nối với người khác. Tất nhiên cảm giác đó chỉ trong một vài trường hợp, nhưng chúng để lại trong mình những cảm giác khắc khoải vô cùng lớn.
Những cảm xúc này rất nguy hiểm, nó khiến mình tách xa khỏi bản thân mình nhiều hơn và tách xa khỏi thế giới. Và hơn cả thế, điều làm mình cảm thấy lo lắng nhiều hơn là việc những cảm xúc này xuất hiện trong một ngày. Ví như mình có thể rất vui vẻ vào buổi sáng nhưng buồn, khó chịu và ghét bỏ vào buổi chiều. Điều này cho thấy một hiện thực rằng trong lòng mình đang có những gợn sóng nhưng mình đã vô tình lấp đầy nó bằng những cảm xúc tích cực tự tạo. Mình không biết điều này là tốt hay xấu nhưng có một điều mà mình chắc chắc, đó chính là: “chúng không thực”. Mình không thể duy trì trạng thái tích cực không bền vững này quá lâu, nếu không thì chúng sẽ rất có hại cho bản thân mình và cho người khác.
4. Tổng kết
Tổng kết lại, tích cực có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng không phải những cảm xúc tiêu cực là xấu. Ví như trong tuần 03, cảm xúc tiêu cực giúp mình nhận ra điều mình sẽ tập trung và đầu tư một cách hiệu quả hơn. Những cảm xúc tích cực cũng không hoàn toàn tốt, ví như trong tuần 04, cảm xúc tích cực của mình chỉ tới từ tiêu khiển hoặc ngộ nhận chứ không thực sự bền vững.
Mọi cảm xúc, dù tích cực hay tiêu cực thì cũng không thể thay thế bằng tỉnh thức: khi mình biết rằng mình đang sống, đang cảm nhận, đang lo lắng hay sợ hãi điều gì đó. Nếu mình cảm thấy không thực, thì nghĩa là mình không đang thực sự sống. Mà nếu vậy thì không còn cảm nhận được sự đẹp đẽ của những gì đang hiện hữu được nữa.
Một bài học khác về sức khỏe, đó chính là thể thao bao giờ cũng mang lại niềm vui, chí ít là đối với mình. Mình tìm thấy bản thân mình rất vui khi làm những điều có ý nghĩa đối với bản thân. Như đi chơi và tập luyện chẳng hạn.
À mà mình không dành thời gian cho việc viết nhỉ? Thực ra viết là dự án cá nhân của mình. Và mặc dù mình không dành quá nhiều thời gian cho dự án cá nhân nhưng chúng vẫn rất quan trọng đối với mình.
Và mình cảm thấy dường như đã hiểu thêm một thành tố khác trong model Permah, đó chính là “Meaning”. Nếu mình cảm thấy chúng có ý nghĩa, thì nó sẽ giúp mình hạnh phúc bền vững.
Tháng 08 của mình là vậy đó! Chúc bạn tháng 09 những điều bất ngờ nha~
Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này!
Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới nha ~~ See ya!