háng 1 vừa qua mình lớn lên trong mối quan tâm hàng đầu – gia đình. Cũng thật may mắn khi mình đã cố gắng thay đổi chính mình để đạt được những cảm giác tích cực hơn với gia đình. Nhưng đồng thời mình cũng lạc lối, mình không dành thời gian để lắng nghe bản thân và nhận biết rõ ràng những gì đang diễn ra ở thế giới rộng lớn ngoài kia. Đã từ rất lâu rồi, khi mình nghĩ đã hiểu về bản thân đủ nhiều để dành thời gian đi khám phá thế giới. Nhưng giờ chính là thời điểm mình nhận ra, mình đã không hiểu rõ bản thân đến vậy.
Mình quay ngược thời gian để tìm về những điều có thể giúp. Mình lục tìm ở Notion, nơi mình đã viết rất nhiều, rất rất nhiều trước khi có chiếc Blog này. Để mình nhớ lại rằng viết là một hành trình tự nhận thức, chứ không phải là một show diễn. Chính vì vậy mình không nhất thiết phải chia sẻ bài viết của mình cho một ai để bày tỏ bản thân. Nhưng điều mình nhận ra sâu sắc hơn đó là, mình thực sự rất khó nắm bắt. Những điều mà mình cảm nhận được không hề đơn giản như mình nghĩ, đó chính là lý do mình không thể nào hiểu được bản thân một cách dễ dàng như người khác. Đó cũng là độc lực thôi thúc mình phải tìm một phương cách nào đó để giải bày. Và phương thức đó chính là “tự phê bình và phê bình”.
1. Tự phê bình và phê bình
Dưới đây chính là những suy nghĩ tự phê bình và phê bình của mình một năm về trước. Khi mình chưa biết cách khám phá thế giới. Mình chỉ có thể khám phá chính mình và học cách diễn giải chúng. Mình đã học được từ mình của một năm trước qua những ghi chép này. Hy vọng bạn cũng có thể tìm thấy một điều gì đó ở đây. Mình cũng có đính kèm những bức hình mình tự chụp trong tháng 1 vừa qua trong bài viết này . Mỗi bức hình có một câu chuyện riêng. Cùng đọc để biết xem câu chuyện đó là gì nhé!
[Nhìn lại] Đã rất lâu rồi, hơn một tháng, mình không trò chuyện với bản thân. Mình làm mọi thứ để tồn tại, duy trì rồi hướng đến một mục tiêu cụ thể nào đó. Nhưng vẫn rất thiếu, mình cảm thấy điều đó rõ ràng: Rằng mình phải tạo ra một thế giới khác, một thế giới mà mình có khả năng làm chủ hơn – nơi mà mình đi hạnh phúc hơn, chủ động hơn và quản lý bản thân tốt hơn. Vì mình không muốn mỗi ngày trôi qua là những điều thường nhật và không hạnh phúc. Dẫu cho đây có là những điều mình đang thực hiện, mình vẫn muốn làm khác đi, và mình biết có nhiều thứ được sinh ra để đáp ứng những mong muốn rất đơn thuần như thế.
[Sự lựa chọn] Mình nghĩ sao về lựa chọn? Mình nghĩ những sự lựa chọn rất quan trọng, đặc biệt là những sự lựa chọn lớn và sự lựa chọn để thay đổi những điều nhỏ nhưng thường nhật. Và sự thay đổi cũng quan trọng, khi bạn bận rộn đến nỗi chẳng có thời gian để thay đổi, đó thực sự là vấn đề. Khi bạn không còn nhận thức rõ nét về những gì đang thực sự diễn ra xung quanh mình và với chính bản thân mình, bạn sẽ không thể phát triển đúng hướng.
[Tự phê bình và phê bình] Như Bác Hồ đã nói: Phải luôn biết tự phê bình và phê bình. Quá trình đó phải diễn ra thường xuyên dẫu cuộc sống có bận rộn đến đâu đi nữa. Và sự bận rộn – mình không thích từ đó – mình chỉ nghĩ về việc bạn có bao nhiêu việc phải làm và bạn làm những điều đó như thế nào. Càng nhiều việc, bạn lại càng phải biết cách quản lý cuộc sống của mình tốt hơn chứ không phải là ngược lại. Điều cần ưu tiên hàng đầu là tìm ra điều gì là quan trọng và nhận thức rõ về điều quan trọng đó để không bị sự bận rộn làm mờ mắt.
[Tự phê bình và phê bình] Mình vẫn luôn. Bản thân mình rất khó để chấp nhận, mình luôn cảm thấy có lỗi với mọi người và với chính mình để luôn cố gắng làm tốt hơn. Để làm một điều gì đó cho ai đó, đặc biệt nếu tạo ra một điều thực sự có giá trị với họ, mình không muốn làm nó một cách hời hợt. Có thể mình có thể không trách nhiệm, không tốt, không cần quá cầu toàn với bản thân, nhưng khi mình làm nó cho một ai khác, mình sẽ làm khác đi rất nhiều. Vì bản tính của mình là phụng sự và mình thực sự có thể trở nên rất giỏi nếu mình làm điều đó để xây dựng hình ảnh của bản thân với một ai đó khác. Mình thực sự bị ảnh hưởng bởi điều đó rất nhiều. Đặc biệt với những người quan trọng với mình, mình sẽ không bao giờ để họ thất vọng.
[Bài học] Mình đang học cách, mặc dù mình có biết hay không: về cách về Bác và Đảng đã làm công việc của mình. Dẫn lối, xây dựng một đất nước không phải là câu chuyện dễ dàng. Cái mà mình đang được dẫn dắt, là quyết định của một số con người, mình nghĩ gì về việc đó? Câu chuyện về lịch sử, khi sau bao nhiêu năm đưa ra những quyết định sai lầm và thất bại, ảnh hưởng tới biết bao số phận người dân, Đảng mới rút ra được bài học. Nếu có được bài học sớm hơn, chẳng phải đã đỡ đi một số thiệt hại có phải vậy không? Nhưng để có được bài học, phải làm và phải sai trước. Đâu dễ gì khi có thể đọc trong sách và nghiệm ra một số bài học; vì trong hoàn cảnh khác, con người khác, mọi thứ đã khác rồi. Bài học đó lại cần phải áp dụng đi áp dụng lại nhiều lần, để có một cách làm tốt hơn cho những hoàn cảnh và những con người khác nhau. Có thể mình không tự nhận thức được điều đó nhưng nó đang thực sự diễn ra. Nếu mình nhận thức rõ được mình đang làm gì và mình đang làm điều đó như thế nào, mình sẽ biết là có nhiều thứ mình đã học được và đang áp dụng trong các trường hợp khác nhau.
[Vô thường] Vấn đề xảy ra khi mình có bài học, nhưng mình không có môi trường để áp dụng nữa. Hoặc mình không bao giờ bắt đầu những bước đầu tiên để hình dung về điều mình nên làm tiếp theo. Nếu mình cứ bị mắc kẹt ở một bước (bước đầu tiên) thì mình sẽ không bao giờ có cơ hội để phát triển, để lớn lên theo cái cách mà mình cần phải sống cuộc đời mình. Bởi vì câu chuyện là như thế này – không phải ai cũng sống cuộc đời như nhau, và biết sao không, mình rất may mắn. Có thể hai năm, ba năm, năm năm sau, mình không còn được may mắn như thế nữa. Mình cần phải làm tất cả những điều có thể ở thời điểm này, vì mất một thời khắc là mất tất cả. Thực sự.
2. Quan sát cuộc sống
[Quan sát và cảm nhận] Biết thế nào để mình có thể tập trung không? Là mình chỉ suy nghĩ về một chuyện thôi, và đó là tất cả. Nhưng khi mình có quá nhiều mối bận tâm, mình sẽ chẳng tập trung được nữa. Câu chuyện như này – nếu mình có thể làm một người vui vẻ, dẫu chỉ một chút thôi – mình cũng đã rất vui rồi. Nhưng đôi lúc mình chẳng tốt tí nào, và điều đó khiến người khác buồn, thất vọng. Biết sao không? Con người ta chỉ thấy được họ qua đôi mắt mình thôi. Chẳng ai có thể nhìn thấy chính mình nếu không có được sự đánh giá từ người khác. Hãy làm sao để nếu mình có thể tác động, hãy làm điều đó thật tốt. Bất kể một ai, kể cả khi mình không nhìn thấy bất cứ điều gì, hãy đối xử với họ như cách mà họ xứng đáng được nhận. Ai cũng xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp.
[Sự phát triển] Và còn nữa, mình viết nhiều, nhưng chưa hẳn là viết hay đâu. Tại sao vậy? Vì cứ nhìn nhận như thế này, một người có thể ngày nào cũng nấu ăn, cũng ra ngoài ruộng cày cấy, cũng bán hàng, nhưng họ vẫn thế, tiếp tục như thường nhật. Vì họ không tự phê bình và phê bình. Vì họ không có con mắt của người khác để đánh giá những điều mà họ thực hiện. Bởi vì họ sợ, thứ nhất là sự đánh giá. Thứ hai, họ sợ đánh mất cái tôi của mình. Nhưng hình dung như này, nếu họ có thể mỗi ngày làm tốt công việc của mình hơn một chút, có phải 10 ngày tiếp Theo, họ đã có thể làm tốt hơn gấp 2 lần? rồi 3 lần? rồi 4 lần? Vì họ đã có sự kiên trì, bền bỉ, và điều đó thực sự rất khó để tìm kiếm. Và cũng không phải cứ thích là có thể tạo dựng được.
[Kiến tạo cuộc sống] Vậy câu chuyện là gì? Mình sẽ không tạo ra, không tìm kiếm, nhưng mình sẽ làm tốt hơn. Nếu mình biết cách tự phê bình những điều mình đang thực hiện, mình sẽ có thể giỏi hơn rất nhiều và có được rất nhiều so với những gì mà mình đang có. Đi thể dục, nấu ăn, học tập, tạo mối quan hệ, quản lý thời gian, quản lý tài chính là những việc mình đang làm hằng ngày. Mình có thể tự tạo ra rất nhiều những hoạt động nữa nếu mình muốn: bơi, làm việc, tìm kiếm, chụp ảnh, blog… Đây là cuộc sống của mình và mình hoàn toàn có thể kiến tạo chúng. Rồi đến một ngày mình sẽ tự thấy, mình có thể làm được nhiều vô cùng, và mình giỏi vô cùng, mình chẳng cần theo đuổi ước mơ gì lớn lao. Vì mình đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn và đó là điều mà mình đã hằng ao ước.
3. Bài học
[Bài học] Hình dung này: Hằng ngày mình đều viết, nhưng mình không có trải nghiệm? Sẽ ra sao nếu mình viết mỗi ngày nhưng lại không có trải nghiệm? Đó là mình sẽ không thể lớn lên và đó cũng chính là mối bận tâm. Mình phải duy trì cả hai, sống và nhận thức. Thật tuyệt khi mình có những tài nguyên này: mình có tiền, có thời gian, có sức khỏe, có một môi trường, một chỗ ở, những người bạn, có những nơi mình có thể đến và những thứ mình có thể mong cầu. Sẽ đến một thời điểm mình mất đi một trong số chúng, mọi thứ sẽ khác. Nên thời điểm là quan trọng, mọi thứ đều cần phải được trân trọng.
[Lợi thế] Nghe này: Mình có một số thứ mà không phải ai cũng có được và mình có thể làm được một vài điều dễ dàng hơn những người khác. Nhưng đó không phải là lý do mà mình ỷ lại. Mình không thể và cũng không nên làm như vậy. Mình phải cố gắng và luôn cố gắng, luôn duy trì và mong cầu những điều tốt đẹp hơn. Nếu một ngày mình muốn nhiều hơn và tìm cách để có nhiều hơn, mình đã được trải nghiệm những điều tốt hơn. Nhưng nếu mình không biết cách tạo ra hoặc không biết cách kiến tạo giá trị từ những thứ mà mình hiện đang có, mình sẽ không có thêm được bất cứ thứ gì.
[Khiếm khuyết] Hãy nhớ là, ai cũng có những vấn đề cho riêng mình. Và một số vấn đề có thể đi cùng với những bất lợi khiến họ vô cùng khó khăn để tạo ra hoặc nắm lấy những điều mà họ mong muốn. Nhưng mình phải tự nhủ rằng, không được để khó khăn vùi mình xuống, phải để chúng nâng mình lên. Bởi vì khi càng có nhiều bất lợi thì mình lại càng phải cố gắng để sống tốt hơn, để tự tạo ra cuộc sống của riêng mình mà không trốn tránh hay sợ hãi. Bởi nếu cứ tiếp tục sợ hãi, mọi thứ sẽ ngày một tệ đi, tệ đi rất nhiều, dẫu mình có không nhận thức được thì nó vẫn là những gì đang diễn ra. Nhận thức rõ ràng rằng thực tại này không phải là những điều mà mình có sẵn mà là những thứ mình phải gầy dựng nên. Nếu không gầy dựng, mình sẽ không có. Và bởi vì mình không có nên mình sẽ gặp rất nhiều những khó khăn. Bởi vậy, nếu đây là cuộc sống của mình, mình cần phải tạo ra một cuộc sống dễ dàng nhất có thể, bằng một cách đó là cố gắng làm khác đi những điều mà mình đang làm và cố gắng … thay đổi tất cả mọi thứ.
[Lời kết] Con người thực sự rất tuyệt, một sinh vật kỳ diệu. Thay vì học về máy móc, mình hãy học về cách làm chủ con người. Bởi vì ai cũng cần cảm thấy tốt hơn về bản thân, nên mình hãy học cách làm điều đó thật tốt. Như Bác, đối với tất cả mọi người, Bác làm đôi mắt họ sáng lên. Khi nào thì đôi mắt một người sáng lên? Khi họ nhìn thấy hay cảm nhận được một thứ thật đẹp đẽ.
Vậy mình nên làm gì ngay lúc này? Mình nên bắt đầu bằng cách hoạch định lại cuộc sống cho bản thân mình, cho mình biết mình cần phải làm gì, thật rõ ràng và cụ thể. Mình cần cho bản thân một kế hoạch để đạt được những điều mà mình muốn. Và rồi luôn lặp lại quá trình tự phê bình và phê bình. Mình cần biết mình đang đi tới đâu, cần đi thêm bao xa và chuẩn bị thật tốt. Hãy biến cuộc sống thành một cuộc hành trình.
Cuộc sống là một món quà mà phải không? Thay vì cố chấp kháng cự thì chi bằng tận hưởng những đau khổ, vui buồn và những bất ngờ mà nó mang đến nhỉ? Ngày mai vẫn tới, đó đã là một niềm hạnh phúc rồi. Có đúng vậy không nhỉ?
Chúc bạn một ngày tốt lành
Bài viết của tháng 1 nhưng được kết thúc vào giữa tháng 2
Thôi thì bao dung cho mình một lần vậy ^^
Hẹn gặp bạn tháng sau nhé!
-Aleneutral-
[…] quan trọng thì mình cũng được một bài học về đầu tư cho sức khỏe. Và mỗi bài học đó khi học được thì kết quả lại đáng giá hơn rất nhiều so với một ngày năng […]