Bạn có bao giờ nghĩ rằng mình chỉ có thể trở nên chuyên sâu trong một lĩnh vực nhất định? Bạn đã từng nghĩ thời gian của mình quá giới hạn để có thể học bất cứ điều gì?
Vậy thì có thể quyển sách “Phương pháp học Simon – Cách học nhanh, nhớ lâu mọi kiến thức” sẽ khiến bạn đặt lại nghi vấn cho niềm tin mình từng có.
Quyển sách “Phương pháp học Simon – Cách học nhanh, nhớ lâu mọi kiến thức” đưa ra những niềm tin, cách tư duy và phương thức làm chủ một kiến thức/kỹ năng mới. Và đồng thời cũng mang đến những quan điểm về việc học tập của nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Đây là một cuốn sách (theo mình) là rất giá trị để bạn có thể mở rộng tư duy về học tập.
Trong bài viết này, mình có mang đến:
- Một số thông tin về tác giả, tác phẩm
- Đôi nét về Simon – người được nói đến trong quyển sách này
- Cảm nhận và những điều mình đúc kết được qua quyển sách
Theo đó, nếu bạn là:
- Một người muốn tìm hiểu về quyển sách “Phương pháp Simon”
- Một người muốn tìm hiểu về học tập và các phương pháp học
- Một người muốn tìm hiểu những góc nhìn mới
Mình hy vọng rằng bài viết này sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn.
Còn giờ thì, cùng mình bắt đầu nhé!
1. Đôi nét về tác giả và tác phẩm

Cuốn sách “Phương pháp học Simon – Cách học nhanh, nhớ lâu mọi kiến thức” được viết bởi Hữu Vinh Phương Lược. Tác giả đã nghiên cứu và tổng hợp phương pháp học tập này dựa trên các nguyên tắc khoa học về cách con người học hỏi và ghi nhớ, đặc biệt là từ các nghiên cứu của Giáo sư Herbert A. Simon.
Quyển sách này không chỉ chia sẻ về Simon và phương pháp học Simon. Tác giả còn chỉ ra những liên kết tri thức tới nhiều nhà khoa học khác như: Einstein, Marie Curie,… Xuyên suốt quyển sách, những thông tin giá trị về tư duy học tập được đưa ra – giúp người đọc hình dung sâu sắc về tác động cũng như cách thức ứng dụng những phương pháp học tập trong cuộc sống.
2. Đôi nét về Herbert A. Simon
Năm 2003, các học giả quản lý Lawrence Psyche và Thomas Davenport đã công bố bảng xếp hạng 200 chuyên gia quản lý trên tạp chí Harvard Business Review, sau đó họ hỏi các chuyên gia quản lý trong danh sách một câu hỏi: Bậc thầy yêu thích của bạn là ai? Kết quả, người đứng đầu là Peter Drucker, cha đẻ của ngành quản lý hiện đại, người đứng thứ hai là James March và người đứng thứ ba là Simon, nhân vật chính của cuốn sách này.

Herbert Alexander Simon (1916-2001) đạt thành tích học thuật đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực và có đóng góp to lớn cho sự phát triển của khoa học thế giới thông qua nhiều thành tựu học thuật. Đối với hầu hết các học giả, chúng ta thường không gọi họ là nhà khoa học mà là chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như nhà tâm lý học và nhà khoa học quản lý.
Nhưng đối với Simon, gọi ông là nhà khoa học thì thích hợp hơn, bởi ông là một phù thủy trong thế giới khoa học thế kỷ 20 và là một nhà tổng quát. Ông là nhà khoa học quản lý đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel Kinh tế và là nhà tâm lý học đầu tiên đoạt giải Nobel Kinh tế. Ông còn được mệnh danh là “Cha đẻ của Trí tuệ nhân tạo”.
Simon tham gia vào nhiều lĩnh vực học thuật, bao gồm kinh tế, quản lý, khoa học máy tính, khoa học nhận thức, trí tuệ nhân tạo, khoa học chính trị, xã hội học, nghiên cứu hoạt động, tâm lý học và các lĩnh vực khác. Ông là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, xử lý thông tin và ra quyết định, đặt nền móng cho sự phát triển các ngành học trong nhiều lĩnh vực. (trích dẫn từ quyển sách “Phương pháp học Simon”)
3. Những gì mình đúc kết được từ quyển sách này
Mình đã rất cuốn khi đọc quyển sách này. Những chia sẻ của tác giả mang lại rất rất nhiều giá trị. Mình đã được khai mở thêm nhiều góc nhìn mới về năng lực học tập và những giới hạn của con người.
Trong bài viết này, mình muốn mang đến một vài góc nhìn sau khi đọc qua quyển sách. Mình chia chúng thành 04 phần (tương ứng với những giai đoạn trong việc học): Động lực, Mục tiêu, Phương pháp, Tính liên tục, Bản chất. Phần bản chất nằm ở cuối cùng vì nó được đúc kết bởi những chia sẻ phía trên.
Mình hy vọng những thông tin này có thể hữu ích cho bạn theo một cách nào đó.
3.1. Động lực – Tại sao bạn nên học vì “bạn thích học”?
Theo tác giả Hữu Vinh Phương Lược, việc tiếp thu kiến thức mới có thể kích thích não bộ con người tiết ra dopamine và mang lại hạnh phúc cho con người. Hãy biến việc học thành sở thích và quá trình học tập sẽ tự nhiên trở nên tích cực và bền vững. Càng học nhiều, bạn sẽ càng hạnh phúc hơn. Nếu coi việc học là một gánh nặng thì quá trình học tập chắc chắn sẽ bị động và không bền vững.
Nếu bạn đã từng đọc qua quyển sách “Habit – Sức mạnh của những thói quen” bạn có thể đã bắt gặp một mô hình tương tự: “Gợi ý – Hành động – Phần thưởng”. Mô hình này nhấn mạnh rằng khi làm một việc có chủ đích và đạt được những tín hiệu tích cực, bạn sẽ muốn thực hiện hành động đó lại một lần nữa. Điều đó cũng có thể được ứng dụng trong quá trình học một điều gì đó. Những cảm giác tích cực sẽ thúc đẩy bạn học tập. Một cách tuần tự như một thói quen.

Nhà văn Takashi Saito (trích từ quyển sách “Phương pháp học Simon”) cũng cho rằng: “Học tập vốn là ham muốn hiểu biết, tò mò về những điều chưa biết. Đó là ham muốn được hình thành một cách tự phát từ trong ra ngoài. Nói cách khác, đó là hành vi được thúc đẩy bởi ham muốn học hỏi. Nhưng tôi thì không biết khi nào Việc học chuyển từ mong muốn thành nghĩa vụ, từ ‘Tôi muốn học‘ thành ‘Tôi cần phải học‘. Chúng ta đã hình thành thói quen ‘học là làm bài tập về nhà‘ từ khi còn nhỏ, đó là thói quen. Khiến chúng ta không thể chủ động học hỏi và không thể chủ động suy nghĩ xem mình muốn làm gì và làm như thế nào”.
Với bản thân, mình cảm thấy rất hứng thú và muốn khám phá nhiều chủ đề khác nhau. Mình cũng tìm đọc nhiều cuốn sách về các lĩnh vực mà mình quan tâm. Tuy vậy, nhiều khi chúng không mang đến một “kết quả” hay cảm giác “chín muồi” nhất định. Mình thắc mắc rằng bản thân còn thiếu điều gì?
Liệu bạn cũng đã trải qua cảm giác như vậy? Giống như lần mò trong mê cung kiến thức nhưng chẳng thấy đích đến. Có lẽ chúng ta nên đến với phần thứ hai được đề cập ngay sau đây.
3.2. Mục tiêu – Tại sao bạn cần một mục tiêu rõ ràng cho việc học?
Trong phần 03 của quyển sách “Phương pháp học Simon”, tác giả có chia sẻ về việc đặt mục tiêu cho việc học. Mình cảm thấy có ba ý chính đáng giá muốn chia sẻ đến mọi người:
- Thứ nhất, biết rằng bạn không thể có tất cả. Hãy tập trung vào một mục tiêu chính trong một khoảng thời gian nhất định.
- Thứ hai, biết rằng bạn nên tập trung vào điều gì? Trong phần này tác giả có nhấn mạnh đến việc bạn nên nhận thức rõ “điểm mạnh” của mình. Đồng thời nỗ lực có ý thức để làm gia tăng những điểm mạnh đó.
- Thứ ba, hãy đặt ra những mục tiêu thông minh. Luôn tuân theo nguyên tắc SMART trong mọi thiết lập mục tiêu của mình. Nếu đủ SMART, bạn sẽ không cần dành thêm thời gian để suy nghĩ về việc “mình muốn gì”.
Trong phần này có những câu chuyện rất hay mà bạn có thể tìm thấy mối liên hệ của bản thân ở đó. Ví dụ như việc nhà khoa học Simon đã từng thử nhiều ngành nghề khác nhau nhưng chỉ cảm thấy thoả mãn nhất trong hoạt động khám phá tri thức. Hay thông qua một câu chuyện ngụ ngôn về Thỏ và Vịt mà tác giả đã nêu rõ thông điệp “Hãy làm những việc mà bạn giỏi”. Bạn có thể đọc câu chuyện đó qua đoạn trích dưới đây:

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó.
Mình vẫn có một thắc mắc: Nếu thỏ vẫn chạy và vịt vẫn bơi, liệu nó có trở nên xuất chúng được hay không? Bởi có cả hàng trăm ngàn con thỏ khác và con vịt khác ngoài kia vẫn đang làm tốt công việc của chúng.
Hay nếu Simon chỉ khám phá tri thức, liệu ông có đạt được những thành tựu vượt bậc đến vậy trong cuộc đời mình.
Có lẽ rằng “biết mình” chỉ là một trong số những điều kiện cốt lõi để đạt được những thành công đột phá. Ngoài làm tốt việc của mình, bạn còn cần một “chiến lược thông minh và đúng đắn” để đến được nơi mình muốn đến một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Để khám phá về những Phương thức hiệu quả đó, bạn có thể đọc tiếp trong phần 03 tiếp theo đây.
3.3. Phương pháp – Tại sao bạn cần một phương pháp hiệu quả cho việc học?

Theo Einstein, thành công = phương pháp đúng đắn × làm việc chăm chỉ × ít điều vô nghĩa hơn.
Theo quan điểm của Inamori, kết quả = cách suy nghĩ × nhiệt tình × khả năng.
Theo quan điểm của Simon, học tập = động lực học tập tích cực × phương pháp học tập hiệu quả × đầu tư thời gian cần thiết.
Có thể thấy rằng trong ba quan điểm học tập trên, ta đều tìm được điểm chung của chúng là bao hàm “khả năng học/phương pháp học tập hiệu quả”.
Trong quyển sách, tác giả có chia sẻ rằng: “Nếu phương pháp đúng, nó có tác dụng liên tục, và sau một thời gian ngắn nỗ lực nhất định, bạn có thể học được nó; nếu phương pháp sai, hiệu quả không liên tục, dù bạn có học nhiều thì cũng không bao giờ học được.”
Trong phần 04 của quyển sách, tác giả có chia sẻ một số phương pháp học tập. Có một số phương pháp mà mình ghi nhớ và muốn chia sẻ đến mọi người:
- 1, Chuyển hoá tư duy não bộ. Không học liền mạch theo một phương thức mà nên xen kẽ các phương thức (học, đọc sách, làm bài tập, nghe giảng,…) trong một khoảng thời gian để tối ưu khả năng tập trung của não bộ.
- 2, Xâu chuỗi kiến thức bằng hình ảnh. Vẽ bản đồ tư duy. Tác giả có miêu tả tính hiệu quả của phương pháp này bằng “chùm nho”. Nếu nhặt riêng lẻ, ta chỉ có thể nắm được 4-5 quả/bàn tay. Nhưng nếu nhặt một chùm, ta có thể nắm được đến 15-20 quả nho. Xâu chuỗi kiến thức cũng có hiệu quả tương tự.
- 3, Làm rõ phạm vi. Chú ý đến bối cảnh, mục đích, mục tiêu muốn đạt được. Từ đó đóng khung những kiến thức cần thiết nhất. Tránh học lan man mất thời gian. Như tác giả có đưa ví dụ về việc chơi đàn, nếu muốn đánh được nhiều bản nhạc – bạn nên học một cách có hệ thống. Nhưng nếu chỉ muốn đánh được một bản nhạc – bạn có thể học một cách trực diện hơn (như vị trí và các nốt riêng lẻ trong bản nhạc chẳng hạn).
- 4, Quy luật luỹ thừa. Thực hiện 20% những điều quan trọng nhất để mang lại 80% kết quả. Làm như vậy không chỉ có thể cải thiện đáng kể hiệu quả học tập mà còn giúp nhanh chóng thu được kết quả học tập và nâng cao sự tự tin.
Ngoài ra còn có một số phương pháp khác như: chia kiến thức tổng thành các khối nhỏ, học kiến thức vào buổi tối để có thể “gọi” lại kiến thức vào buổi sáng, vượt qua vùng thoải mái của mình để tiến vào vùng học tập “tăng trưởng”, cách tiếp cận nguồn tài liệu học tập (thầy, trường hợp, mạng lưới, sách,…) một cách hiệu quả,… Mà chúng ta có thể áp dụng trong việc học của mình
Nhưng..
Có vẻ mình vẫn nên dừng lại một chút và đặt câu hỏi.
Liệu áp dụng những phương pháp này có thể luôn luôn mang lại hiệu quả hay không? Tại sao trước đây mình cũng biết một số phương pháp, vẫn có mục tiêu và động lực nhưng lại không đạt được kết quả như mình mong muốn.
Bạn có từng ở trong trường hợp như vậy không? Khi bạn đã thử nhiều cách để đạt được mục tiêu nhưng buồn, chán nản và không muốn theo đuổi nó nữa?
Điều chúng ta thiếu ở đây là gì? Chúng ta có thể tìm hiểu yếu tố cuối cùng được đề cập trong cuốn sách này trong chương tiếp theo.
3.4. Tính liên tục – Tại sao bạn cần kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng?

Marie Curie đã nói: “Tính đặc thù của kiến thức giống như mũi của một chiếc dùi, sự tập trung giống như lực của chiếc dùi, và tính liên tục của thời gian giống như chiếc dùi không ngừng khoan về phía trước”. Câu nói này của Marie Curie thể hiện nguyên tắc cốt lõi trong phương pháp học tập của Simon.
Cần nhiều yếu tố để hình thành nên một kỹ năng học hiệu quả. Nhưng nếu không có một sự tác động đủ nhiều (kiên trì bền bỉ) ta cũng sẽ không thu lại được kết quả như mong muốn.
Ở một khía cạnh khác, việc làm một điều gì đó liên tục cũng giúp một người tự hình thành nên niềm yêu thích với điều đó. Trong quyển sách “Phương pháp học Simon” có một trích dẫn rằng: “Nghiên cứu khoa học về não bộ cho thấy nếu bạn tiếp tục làm điều gì đó mà không có cảm xúc tiêu cực thì sau một khoảng thời gian nhất định, bạn sẽ tự nhiên trở nên hứng thú với việc đó. Cách để trở nên hứng thú với việc đọc và học là dành ra một khoảng thời gian cố định mỗi ngày để đọc và học mà không có bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào. Theo thời gian, bạn sẽ thích đọc và học.”
Vậy chăng, chính sự bền bỉ sẽ tạo ra niềm động lực to lớn giúp chúng ta tiến về phía mục tiêu. Giống như xe lăn bánh vậy: Chặng đầu thì khó. Nhưng một khi đã có lực, chúng sẽ dễ dàng tăng tốc hơn.
Vậy phải chăng, ĐỘNG LỰC – MỤC TIÊU – PHƯƠNG PHÁP ĐÚNG ĐẮN – KIÊN TRÌ BỀN BỈ là một vòng lặp. Và chúng sẽ bổ trợ lẫn nhau để giúp bạn làm chủ những kiến thức/kỹ năng mà bạn muốn trong cuộc sống.
Nhưng..
Mình vẫn đặt một câu hỏi.
Liệu khi thử hết tất cả chúng, vẫn có một “điều gì đó sai sai” thì sao?
Bạn đã từng bao giờ rất kiên trì để theo đuổi một điều gì và thực hành chính xác những gì “được dạy là đúng” nhưng kết quả vẫn không như mong đợi không?
Nếu thế, có thể chúng ta sẽ cần đến phần cuối cùng trong bài viết này.
3.5. Bản chất – Thất bại là một phần của quá trình học tập.

Như một đoạn trích trong cuốn sách có chia sẻ: “Cuốn sách này giống như chất xúc tác trong phản ứng hóa học. Khi chất A và chất B kết hợp với nhau, tốc độ phản ứng chậm lại. Sau khi thêm chất xúc tác C, chất D có thể được hình thành nhanh hơn. Phương pháp học chính là chất xúc tác để phản ứng hoá học giữa người học và kiến thức diễn ra nhanh hơn.”
Hay trong một ví dụ khác, tác giả chia sẻ: “Học tập là một quá trình thu hoạch, cũng giống như gieo trồng vào mùa xuân và thu hoạch vào mùa thu. Sẽ có những giai đoạn thay đổi như hạt nảy mầm, không hề dễ dàng như nhiều người tưởng tượng. Đôi khi chúng ta cảm thấy mình đang học nhưng trong lòng lại không thực sự chấp nhận; đôi khi chúng ta cảm thấy mình đang học nhưng thực ra chúng ta không học. Bởi thứ chúng ta nhận được chỉ là thông tin chứ không phải kiến thức.”
Bạn có bao giờ nghĩ: Khi A + B sẽ luôn luôn có điều mới xảy ra không?; Hay khi người ta gieo hạt, chắc chắn một cây con sẽ nảy mầm?
“Câu trả lời sẽ là không. Không có sự chắc chắn ở đây.”
Nhưng liệu có thể có một điều mới xảy ra khi A+B không? Và liệu có thể có cây con nảy mầm khi chịu khó gieo hạt hay không?
“Câu trả lời sẽ là có. Có thể một điều kỳ diệu sẽ xảy ra.”
Vậy chăng, học tập cũng giống như sự chuẩn bị.
Chuẩn bị cho sự xứng đáng.
Chuẩn bị cho những cơ hội.
Nhưng nếu không nắm bắt được kết quả sau cuối thì cũng chẳng phải điều gì quá to tát.
Vì bản chất của sự học là không có sự chắc chắn. Nhưng sự học có thể mang đến cho chúng ta những điều kỳ diệu.
Kết lại, mình muốn gửi đến cho mọi người một câu nói mà mình rất tâm đắc trong quyển sách này:
“Nói ít, nghĩ ít, học nhiều và làm nhiều, người bình thường thường làm được những điều phi thường”
Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này.
Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới. See ya !!!