Nhật ký mùa Covid: Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, Đà Nẵng đang tìm mọi nguồn lực để đấu tranh chống dịch, Đà Lạt có ca nghi nhiễm mới. Là một người dân, trách nhiệm lớn nhất lúc này là tránh làm trung gian lây truyền dịch bệnh, cố gắng càng ít di chuyển càng tốt.
Chỗ tôi là một vùng nông thôn gần thị trấn Đức Trọng – Lâm Đồng, covid chưa tới nơi nhưng người ta vẫn ngại đi dự đám tiệc. Những hoạt động kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra như thường lệ, mọi nếp sinh hoạt dường như không thay đổi.
Bởi thế mà tôi vẫn đi, đi những chỗ vắng người thôi, hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang cẩn thận. Tôi đi vì mong muốn được xê dịch, được nhìn ngắm thế giới qua một lăng kính mới. Lăng kính mà tôi chưa từng thấy khi đang trong guồng quay cuộc sống – học tập, sinh hoạt, làm việc. Lăng kính mà chỉ có khi tạm dừng lại mọi hoạt động thường nhật thì mới có thể chợt nhìn lại.
Chậm một phút, ngẫm một giây, thấy đời sao lạ thế, đời ta là thực hay đang mơ, sao chậm một chút cũng là đời, nhanh hối hả cũng là đời, cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì là thuộc về chọn lựa?
Đợt nghỉ dịch này tôi như tách mình ra khỏi thế giới thường nhật. Thế giới mà do từng lớp người đi trước tạo ra, nhiều người đi đến độ lối cũng thành đường. Nhưng con đường đó thực hư thế nào, tôi đang sống hay chỉ là tồn tại, tôi là sản phẩm của xã hội hay tôi là tôi, vẫn còn là một dấu chấm hỏi… Cho đến khi tôi kịp dừng chân, nhìn lại và tự đặt câu hỏi cho mình.
Tôi thích kết nối, bởi tôi biết cảm giác đau khổ khi không thể kết nối với mọi người. Tôi hiểu và trân trọng nhiều thứ, bởi tôi từng đau. Cái đau khó lòng diễn tả, bởi có nhiều thứ nó thành hình và có thể tưởng tượng được, còn những gì ở trong cơ thể mình, nó chỉ là một cảm giác, dù tìm hiểu đến đâu cũng khó lòng mà hiểu hết, con người là một sinh vật kỳ diệu và cũng vô cùng kỳ lạ.
Bởi vậy mà con người mới khác biệt, nhưng trớ trêu thay, họ lại sợ sự khác biệt. Từ xa xưa, chúng ta đã sợ bị lạc loài, những cá nhân tách biệt khỏi đồng loại không thể tự săn bắt và hái lượm đều phải chật vật để sống sót. Chúng ta đều cần nương tựa lẫn nhau để tồn tại, đó là điều tất yếu trong xã hội. Nhưng xã hội chính nó lại vô tình đề ra những điều luật khó chiều, rằng chúng ta phải tuân theo số đông, dù đôi khi có lúc điều đó thật khó hiểu và không cần thiết.
Và đây là câu chuyện của tôi.
Chuyện là tôi thích chia sẻ, tôi muốn gắn kết, phải rồi, nhưng lại không giỏi tìm kiếm, nên cách hay nhất là chia sẻ câu chuyện của chính mình, cho nhiều người nhất có thể. Tôi hiểu sức mạnh của ngôn từ, hơn bất kỳ mọi công cụ nào, nó có thể làm tổn thương một người vô cùng nhưng cũng có thể làm ai đó hạnh phúc, chỉ bằng một câu nói. Nhưng tôi thì không giỏi nói, đúng hơn là tôi vẫn đang tập đấy. Bởi giao tiếp bằng lời nói là cách dễ dàng và hiệu quả nhất đưa chúng ta lại gần nhau nên tôi sẽ không ngại vì mình dở đâu, sự cố gắng luôn đẹp đẽ mà, nên thôi cứ tiếp tục vậy ^^
Ngôn từ còn một cách để diễn tả nữa, đó là chữ viết. Và đôi khi viết còn có sức ảnh hưởng hơn, bởi ta có thể viết cho hàng nghìn người đọc chứ nói thì chỉ có thể cho vài người nghe thôi, thường là vậy. Tôi đã từng đọc ở đâu đó, viết là một công việc đơn độc, như trưởng thành vậy, ta không thể viết khi ở bên cạnh ai đó, cho dù là người ta yêu nhất, bởi đôi khi cảm giác bộc bạch lòng mình rất khó, khó hơn nữa là khi ở trong trạng thái trần trụi như thế, tâm trí không thể lơ đãng để phòng vệ, đó là lý do ta thường chọn khoảng không đơn độc để chắp bút những ý tưởng của mình.
Chọn viết trên blog bởi tôi cần một nơi lòng an yên để chia sẻ. Tôi đã từng viết trên mạng xã hội, nhưng kỳ thực, nó rất khó. Giống như chúng ta viết để vừa lòng người khác, để họ thích, họ tương tác, nếu họ quay lưng thì ta thất bại, mà thất bại thì đau khổ. Nó giống như tiếp tục đi vào một vòng xoay, nơi viết không phải để giải bày, mà là để mưu cầu sự chú ý. Chính vì vậy mà tôi chỉ viết ở đây thôi, một trang web của riêng tôi (nói nghe thật bảnh tỏi)… Không mưu cầu gì cả, không mong mỏi sự chú ý của ai hết, tôi viết cho chính mình.
Nhưng lại có sự bất cập thế này, người ta nói “nhà văn đã chết khi cho ra đời tác phẩm của họ”, nghĩa là khi tác phẩm ra đời, cái nhìn thuộc về người đọc, họ có thể yêu thích chối bỏ “đứa con tinh thần của nhà văn”, đó là cảm nhận của họ. Ai cũng vấp phải nỗi đau khi chia sẻ, nhưng cái nhận về nhiều hơn lại là những người bạn, những cá nhân đồng cảm với câu chuyện đó. Đôi khi nó làm thay đổi cả cuộc đời, lắm lúc làm ai đó vui cả ngày, nhiều khi chỉ khiến họ nở một nụ cười thôi, nhưng thế là đủ. Đời đã lắm đau khổ rồi, sao ta không cho đi một chút, cho và chẳng mong nhận lại, đó mới gọi là người giàu có.