1. Lời tự sự
Nó đây rồi – đây chính là trạng thái mà mình vướng phải trong suốt khoảng thời gian học cấp 3. Một mình, đúng nghĩa của một mình. Mình không thể kết nối với người khác và cũng không thể kết nối với chính mình. Mình không thể suy nghĩ, không thể vui vẻ cũng chẳng thể sáng tạo, mình cảm thấy bản thân không ổn với quá nhiều thứ: nhiệt độ, không gian, cảm nhận, tất cả mọi thứ. Đặc biệt hơn là sự xuất hiện của một hỗn tạp các cảm giác: không chắc chắn, lo lắng, băn khoăn, lừa dối,… cảm giác này lớn mạnh và chi phối đời sống trong một khoảng thời gian dài khi mình 17 tuổi và đến giờ mình vẫn còn nhớ rất rõ.
Mình bị băn khoăn về cách mà mọi người nhìn nhận con người mình, cách mà mình kiểm soát cuộc sống, cách mà bản thân mình đang tù túng và trói buộc như thế nào. Mình bất lực với chính cảm giác đó và để nó chiến thắng, vì khi đó mình không đủ sức và mình có quá nhiều những điều cần phải bận tâm. Dù hiện tại mình nghĩ là có thể bản thân đang khỏe, nhưng thực tế là mình đang tận dụng nguồn lực một cách sai hướng và điều này không hề mang lại lợi tức. Mọi thứ tốt đẹp mà mình đang làm dường như không đúng, nó đang đi quá giới hạn của cái ngưỡng cần thiết để mọi thứ nằm trong vòng kiểm soát của chúng. Hoặc nói một cách rõ ràng hơn, có điều gì đó cần phải thay đổi.
Viết thực sự giúp ích, mình không biết bản thân đã tiến bộ đến nhường nào khi nhận ra và học cách sử dụng công cụ thần kỳ này: Quả là những điều nhỏ bé có sức mạnh phi thường. Nhưng hiệu quả của nó cũng chỉ dừng lại ở giới hạn, mọi thứ đều có lượng vừa đủ của nó: “Not too much, not too little”. Muốn vậy mình phải tìm được điểm cân bằng của mọi thứ.
2. Lý thuyết về cân bằng
Sao không áp dụng một kiến thức của nhà toán học lỗi lạc qua bộ phim mình mới vừa xem nhỉ?
Cân bằng Nash của nhà toán học John Forbes Nash Jr học chuyên ngành lý thuyết trò chơi, hình học vi phân và phương trình đạo hàm riêng.
Có một bộ phim “A beautiful mind” (2002) đoạt rất nhiều giải Oscar nói về cuộc đời của ông, mình mới xem gần đây nhưng sau khi đọc lại tiểu sử thì thấy chẳng giống nhau chút nào. Nhưng mà thôi kệ bỏ qua, phim hay là được ^^
Còn dưới đây là học thuyết nổi tiếng của ông:
——
Định lý Nash: Trong trò chơi gồm n người chơi, mỗi người chơi có sự lựa chọn các chiến lược để thực hiện. Ứng với mỗi người chơi là một sự chi trả của người chơi cho tất cả các kết quả có thể xảy ra tương ứng với sự lựa chọn chiến lược của các người chơi. Mà việc lựa chọn phụ thuộc vào kỳ vọng của người chơi đối với sự lựa chọn của các người chơi khác. Nói cách khác đây là chi phí cơ hội cho sự lựa chọn được đặt trong bối cảnh giữa cá nhân và một nhóm.
Một ví dụ đơn giản về cân bằng Nash được gọi là “Thế lưỡng nan của tù nhân” như sau: Hai nghi phạm trong một vụ án phạm tội bị bắt giữ và được đề nghị một thỏa thuận: “Nếu bạn khai ra và làm chứng chống lại tòng phạm, thì chúng tôi sẽ thả bạn và quy tội cho bạn kia — 10 năm tù giam”. Nếu cả hai đều giữ im lặng, thì các công tố viên không thể chứng minh được những cáo buộc nặng hơn và cả hai sẽ bị kết án một năm tù giam về một hành vi phạm tội không nghiêm trọng bằng. Nếu cả hai cùng khai, thì các công tố viên sẽ không cần đến bằng chứng của họ, và cả hai sẽ bị kết án tám năm tù giam.
Tính toán của cân bằng Nash cho thấy cả hai có nhiều khả năng sẽ thú tội. Kiểu vấn đề này được gọi là trò chơi bất hợp tác, có nghĩa là hai tù nhân không thể truyền đạt được ý định cho nhau. Do đó câu trả lời sẽ là một phỏng đoán mang tính rủi ro cao, vì vậy nên họ đều lựa chọn phương án an toàn nhất.
———–
(Học thuyết này mình tham khảo trên trang Wikipedia Tiếng Việt và trang wordpress phantichkinhte123 – Bài gốc của Florence Naegelen – Giáo sư đại học France-Comté (BesanVon) và được Nguyễn Đôn Phước dịch)
3. Cân bằng Nash và lựa chọn của mình năm 17 tuổi
Vậy thì theo cân bằng Nash, một người sẽ không chỉ chọn lựa vì lợi ích cá nhân của họ mà còn phải cân nhắc khi nghĩ đến chọn lựa của người khác trong một nhóm. Họ sẽ xét đoán những người khác trong nhóm sẽ hành xử như thế nào và từ đó đưa ra những quyết định khôn ngoan nhất.
Vậy nếu ‘nhóm’ thay đổi, ‘những quy chuẩn’ thay đổi, ‘những sự lựa chọn tốt nhất’ cũng sẽ thay đổi. Cân bằng Nash không phải là một con số cứng nhắc dùng chung cho mọi trường hợp, nó phụ thuộc rất lớn vào ‘sự chọn lựa của người khác’. Mà trong trường hợp này, nó là xã hội thu nhỏ của bạn – bởi vì bạn lệ thuộc vào xã hội nên ‘cân bằng của bạn’ cũng chính là dựa trên sự lựa chọn của người khác.
4. Ứng dụng trong cuộc sống
Vậy câu hỏi là: Cân bằng Nash có thế áp dụng trong cuộc sống đời thực như thế nào? Nếu như đặt mình của hiện tại để quyết định thay cho mình của năm 17 tuổi, mình sẽ làm gì?
Câu trả lời chính là: Cân bằng Nash là một học thuyết để dự đoán tương lai vì nó được đúc kết từ những gì ‘đang thực sự diễn ra’ ở đời sống hiện tại. Và nếu có thể quay về quá khứ, mình biết đó là tất cả những lựa chọn tốt nhất mà mình có thể làm để đạt được những lợi ích tối ưu của bản thân. Nếu là mình của năm 17 tuổi, mình cũng sẽ là mình, những người kề cạnh mình cũng chỉ là họ và cuộc sống thì vẫn cứ tiếp diễn như chính nó.
Nhưng nếu là mình của năm 22 tuổi, mình biết rằng mình phải có cái nhìn khôn ngoan hơn về việc cố gắng cho một sự lựa chọn, nhất là trong trường hợp mình phải hy sinh rất nhiều thứ để có được nó. Mình phải liên tục trao dồi năng lực của bản thân trên tất cả các phương diện để có đủ tự tin và hạnh phúc đi theo những quyết định mà mình đã lựa chọn. Tuy mình không hoàn toàn hiểu hết những ứng dụng của cân bằng Nash nhưng mình tin rằng cá nhân luôn cần được đặt trong bối cảnh môi trường, xã hội. Đồng thời cần tính toán sự ảnh hưởng của các tác nhân đó lên chính mình và hiểu rõ chính mình để đạt được sự phát triển tốt nhất.
Series “Năng lượng sống” là nơi mình dùng để ghi chép lại những cảm xúc mà mình đang đối mặt thông qua quá trình quan sát, nhận định và gọi tên chúng. Nó có thể là một vết lóe cho những cảm xúc bị kiềm cặp trong quá khứ, cũng có thể là một nỗi khó chịu khôn tả mà mình không thể nào gồng gánh ở thời điểm hiện tại. Mỗi cảm xúc là một câu chuyện, là rất nhiều những nguyên do, là sự chối bỏ hay thừa nhận của một tâm hồn đầy rẫy những vết xước.
Nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng là cảm xúc luôn đúng: Nó sẽ không bao giờ dung túng cho một cuộc đời “theo lối theo đường”, nó cũng chẳng thể oằn mình kiềm nén trước “sự bất lực của cơ thể”. Tâm trạng, cảm xúc, thể trạng chính là lời giải bày chân thật nhất mà cơ thể một người dành cho chính họ. Mà thông qua những cảm xúc đó mình có thể biết được bản thân mình là ai, cần gì và đang thực sự mong cầu điều gì. Series này chính là nơi giúp mình làm rõ những cảm nhận để bản thân có thể biết, hiểu và đồng cảm. Đây cũng chính là kim chỉ nam cho hành trình mà mình đang đi – hành trình tìm về những điều tự nhiên nhất, về những gì thuộc về chính mình. Bạn có thể đọc thêm bài viết trong series Năng lượng sống của mình tại đây.
-Aleneutral-
Photo: Unsplash.com