QUYỂN SÁCH ĐẦU TIÊN TRONG HÀNH TRÌNH: CHIẾN BINH CẦU VỒNG – ANDREA HIRATA

1. Giới thiệu về Chiến binh cầu vồng

Một tác phẩm văn học đầy nhân văn và thay đổi góc nhìn về giáo dục hiện đại, được chắp bút bởi nhà văn Indo – Andrea Hirata. Tác phẩm là câu chuyện về cuộc đấu tranh cho quyền được học của những cô cậu học trò người Mã Lai – tầng lớp lao động nghèo ở đảo Belitong – Indonesia. Tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia, và được dịch ra 26 thứ tiếng. Bản Tiếng Việt do Hạ Thảo dịch.

Tôi – Ilka, là nhân vật chính, cũng chính là tác giả, không có miêu tả nhiều về nhân vật này. Nhưng về sau, cậu đem lòng yêu cô gái A Ling và đời sống nội tâm cậu được tác giả miêu tả rất sống động và chân thật.

Lintang – thần đồng toán học. Cậu bé thiên tài có niềm đam mê toán học, làm khơi dậy đam mê và mơ ước cho những đứa trẻ. Ấn tượng đầu tiên là cậu bé đen trũi, héo hắt, gầy gò, khò đét như cây củi khô. Là người ở xa nhất, cậu phải đạp xe 40 cây số từ lúc susub để tới lớp nhưng luôn là người có mặt đầu tiên trong lớp học. Chưa từng nghỉ một buổi nào, mặc cho chiếc xe đạp cà tàng lủng lốp hay đứt xích. Cha cậu – ông Cik người như cây thông và mẹ cậu bị bại liệt bẩm sinh. Ngày đầu tiên đi học, cậu hứa với cha sẽ tự điền vào mẫu giấy ghi họ tên phụ huynh. Chỉ sau hai ngày từ lúc nhận biết bảng chữ cái, chính cậu đã hoàn thành lời hứa và thắp lên hi vọng cho những cô cậu học trò nghèo vùng đảo Belitong.

Mahar – thần đồng nghệ thuật. Thoạt nhìn là người vụng về, thái độ kỳ quặc, nhưng chính cậu là người mang lại niềm tự hào cho ngôi trường Muhammadiyah trong lễ hội hóa trang. Cậu còn có giọng hát và khả năng cảm thụ nghệ thuật sâu sắc. Nhưng sau này lại trở nên cuồng tín quá mức, cậu lập ra hội Soceitiet có 10 thành viên, tin vào pháp sư và những điều ma quái.

Sahara – cô bé đầu tiên của nhóm chiến binh cầu vồng. Ương ngạnh nhưng tôn sùng sự thật. Luôn bất đồng quan điểm với A Kiong, nhưng lại chú tâm lắng nghe và ân cần với cậu bạn Harun – người có vấn đề về khả năng phát triển trí não.

Harun, cậu bé gầy nhẵng, cao kều, 15 tuổi – bằng tuổi với cô giáo Mus nhưng tâm trí như một đứa trẻ. Tuy vậy nhưng cậu luôn nở một nụ cười thường trực và ân cần với tất cả thành viên trong lớp.

Borek, chàng trai đô con có mơ ước nhỏ nhoi, cậu là người bi quan, Ilka đã từng nói “Người kém may măn nhất trên thế giới này là người bi quan”. Vì thân hình cường tráng, cậu có biệt danh Samson.

Kucai, cậu bé quảng giao, đầy quyền lực và là lớp trưởng, cậu có ước mơ trở thành chính trị gia có một ghế trong quốc hội.

Trapani điển trai, ăn mặc tươm tất. Trong khi A Kiong lại có gương mặt khó coi. Syahdan là cậu bạn nhỏ con nhất lớp. Flo, cô bé ngang ngược là thành viên cuối cùng của nhóm Chiến binh cầu vồng. Xuất thân trong gia đình có điều kiện nhưng cô bé với tính cách đặc biệt nhất quyết học tại ngôi trường làng quê nghèo. Tất cả đã cùng tạo nên câu chuyện lịch sử với cô Mus và thầy Harfan.

2. Câu chuyện về trường tiểu học Myhammadiyah

Đảo Belitong nằm tách biệt với phần lãnh thổ đất liền Indonesia, nơi nổi tiếng là vùng khai thác thiếc lớn nhất thế giới. Dân cư ở đây bị xâm lấn hơn 350 năm, sau khi người Hà Lan làm chủ hơn 7 thế hệ, họ nói “Chúc ngày mới tốt lành” thì người Nhật đến chiếm đóng, họ nói “sayonara” – “Chào tạm biệt”. Tưởng rằng tự do đã đến, nhưng người dân Mã Lai vùng Belitong lại phải đối mặt với một mối nguy mới, những nhà cầm quyền hay nhân viên của công ty PN – công ty khai thác thiếc duy nhất tại đảo Belitong. Giờ đây xuất hiện hai tầng lớp rõ rệt, nhân viên PN làm việc tại điền trang là tầng lớp dư giả, có học thức và dân Mã Lai bản địa là người lao động thấp hèn, bao nhiêu tiền công nhận được cũng không đủ nuôi mấy miệng ăn của gia đình. Đến sống qua ngày đã phải chật vật, không ai còn để tâm đến việc phải cho con cái đến trường, thậm chí các trường dành cho trẻ em nghèo cũng không có, điều này làm cho người dân nghèo tin rằng: Họ không nhất thiết phải học hành và rằng việc học không thể giúp họ thay đổi cuộc sống.

Nhưng trường học Muhammadiyah đã giúp thay đổi số phận của 10 học sinh nghèo hiếu học. Thầy Harfan, người đàn ông với gương mặt lương thiện, râu quai nón trắng phóc trông như gấu Bắc Mỹ. Một người thầy uyên bác, hay kể những câu chuyện về kinh đạo Hồi, lịch sử, địa lý, thổi hồn vào những kiến thức, khơi dậy cảm xúc thích thú của đám học trò nhỏ. Thầy chính là người thầy đúng nghĩa theo tiếng Hindu: “Một người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn và người dìu dắt tinh thần cho học sinh”.

Chúng tôi không thể không dõi theo thầy vì cả bọn đã phải lòng thầy mất rồi và thầy cũng đã khiến cả bọn phải lòng cái ngôi trường cũ kỹ này nữa.”

Thầy cũng chính là một trong những người thành lập ngôi trường Muhammadiyah, với hi vọng đem tri thức đến cho những trẻ em nghèo. Thầy đã từng đi khắp vùng Belitong để thuyết phục trẻ em đến lớp, đạp xe hơn hàng trăm cây số mang nông sản nhà trồng đến chợ bán để có tiền mua sách cho học trò. Thầy gắn trái tim mình với sứ mệnh lan tỏa kiến thức cho những người lao động nghèo tại vùng Belitong ở ngôi trường Muhammadiyah. “Và nếu thầy có chết, thầy sẽ chết tại ngôi trường này”

“Học tập không lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường, là ánh sáng văn minh.”

Thực hiện chung sứ mệnh cao cả với thầy Harfan là cô Mus. Cô còn trẻ, mới 15 tuổi và có một tương lai tốt là nhân viên PN, cô có thể có một cuộc sống sung túc. Thế nhưng cô chọn ngôi trường này, cô muốn làm giáo viên.

“Cô Mus thốt lên những lời ấy từ tận sâu thẳm đáy lòng cô và lâu nay hai từ “giáo viên” đã luôn được cô ấp ủ trong tận trái tim khối óc vì cô ngưỡng mộ nghề dạy học cao quý ấy đến nhường nào”

Cô Mus không quan tâm đến tiền bạc, cô là người có hiểu biết, nhận thức rộng và công bằng. Cô đã kể câu chuyện về tổng thống đầu tiên của Indo, người tự học trong ngục tù để nhắc nhở học sinh của mình không bao giờ được chùng bước dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cô dũng cảm dám đối mặt với người đứng đầu PN để đòi lại danh dự cho ngôi trường Muhammadiyah, dù sau đó mắt đỏ hoe và không cất nổi một lời vì cô không thể tôiu nổi sự thật thầy Harfan đã mất và từ giờ một mình cô sẽ gồng gánh hết tất cả. Nhưng cô yêu việc dạy học bằng cả trái tim và khối óc, “chừng nào cô còn đứng được thì cô nhất quyết không bỏ một em nào”, “tiếp tục học, dù có thế nào đi nữa”.

Thế nhưng cô Mus cũng đã từng bỏ cuộc, người cứu vớt bước chùn chân của cô không ai khác chính là cậu bé mang sự học là cả sinh mệnh – Lintang. Lúc thầy Harfan mất và công ty PN đến khai thác thiếc tại trường, cô không tin việc dạy học có thể tiếp tục. Thế nhưng điều khó tin xảy ra, Lintang đang dạy những đứa học sinh còn lại trong ngôi trường sập xệ. “Tao sẽ tiếp tục học cho đến khi cây cột thiêng chống đỡ ngôi trường này sụp đổ” – Lintang nói. Nhờ Mahar cả bọn đủ dũng khí dám đua tranh và nhờ Lintang, họ dám mơ ước.

3. Lintang – cảm hứng học tập của những đứa trẻ

Khi cha Lintang lần đầu dẫn cậu đến lớp học nhưng không thể điền vào giấy thông tin vì không biết chữ. Khi cậu đạp xe đưa mẹ đến họp phụ huynh, cha cậu phải đi bộ từ nửa đêm để đến trường kịp lúc với hai mẹ con. Khi Lintang hỏi một phép tính đơn giản, cha cậu phải chạy bộ mấy cây tới hỏi người trên ủy ban để về trả lời cho cậu nhưng cuối cùng lại nói nhầm đáp án.

“Lintang nhìn sâu vào mắt cha nó. Nó cảm thấy tim mình nhói đau, khiến nó phải tự hứa với lòng mình: Mình phải thông minh mới được”

Lintang được xem như thần đồng. Cậu giải được tích phân, vi phân, thông thạo các định luật toán học và khoa học khi chỉ mới là học sinh tiểu học. Cậu giúp trường Muhammayidah hãnh diện tự hào khi hạ bệ thầy Zulfikar làm mẻ về màu sắc, quang phổ và định lý vân tròn Newton. Cậu khiến cho những cô cậu học trò nhỏ ở làng Belitong tin rằng: Việc học có thể làm thay đổi cuộc sống của họ, họ bắt đầu dám ước mơ.

Kết lại Lintang không có cuộc sống là nhà toán học như cậu mơ ước, cha cậu mất và một cậu bé vị thành niên nay trở thành trụ cột cho cả gia đình. Nhưng Ilka – nhân vật tôi đã chiến thắng số phận, du học Châu Âu và hoàn thành kế hoạch A của cậu – trở thành một nhà văn nổi tiếng. Nhưng cuộc đời cậu không hề thuận lợi như vậy, cậu đã vật lộn với công việc đưa thư mà mình chúa ghét, cô đơn, tủi sầu và nghèo đói. Cậu cố làm việc để giúp cho con gái của anh trai mình được tiếp tục đến lớp – vì cô là một nhân tài và cũng để chuộc lại mặc cảm tội lỗi đã không thể làm gì giúp đỡ Lintang khi xưa. Cuối cùng, niềm tin đưa cậu tiếp tục đi trên con đường tri thức dở dang, cậu đã làm được những điều tưởng như không thể. Cô gái A Ling làm cậu hiểu được: “Số phận có thể đối xử với con người rất nghiệt ngã và rằng tình yêu có thể rất mù quáng”, cô gái tiếp thêm sinh lực cho cậu qua mỗi bước đường cậu đi qua, vùng đất Edensor như sinh mệnh trong cuốn sách của Herriot và câu nói của huyền thoại Rock ‘n’ Roll ca sĩ John Lennon “Cuộc sống là những gì xảy đến với bạn khi bạn đang mải mê lập ra những kế hoạch này nọ!”

Cậu đã say sưa viết một cuốn sách để bày tỏ lòng biết ơn và sự trân trọng cho những người thầy, người bạn tại vùng quê nghèo Belitong nơi cậu lớn lên. Sau khi hoàn thành, cậu thở phào nhẹ nhõm viết một vài dòng trên trang đầu cuốn sách: “Dành tặng cho thầy cô của tôi, cô Muslimah Hafsari và thầy Harfan Effendy Noor, và mười người bạn thời thơ ấu của tôi, những thành viên đội Chiến binh Cầu Vồng.”

“Họ là những người anh hùng không được tụng ca, là vị hoàng tử và công chúa hiện thân cho sự tận tâm, và là giếng nước kiến thức thanh khiết cho cánh đồng khô cạn bỏ hoang.”


 

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x