Chào mọi người,
Cảm ơn mọi người đã đến và đọc bài viết này.
Cuối tháng 06, việc chuyển mình giữa hệ “viết cho chính mình” sang hệ “viết cho người khác” của mình cần nhiều thời gian và sự làm quen nhất định.
Bài viết này mình chia sẻ những băn khoăn, trăn trở và lời giải cho những suy nghĩ đầu tiên về hành trình viết cho người khác.
Trong bài viết này, bạn sẽ thấy những nội dung về:
– Tư duy viết cho mình và viết cho người khác khác nhau như thế nào?
– Cần chuẩn bị những gì để viết cho người khác
– Những nguồn thông tin (blogger, sách,..) chia sẻ về việc viết lách cho người khác
– Chia sẻ cá nhân về hành trình viết của mình trong thời gian tới
Nếu bạn là: Một người thích viết, cũng muốn tìm hiểu về phương thức viết cho người khác, một người muốn tìm hiểu những góc nhìn mới qua lăng kính viết lách,… mình hy vọng bài viết này sẽ mang lại một điều gì đó hữu ích cho bạn.
Còn bây giờ thì, cùng mình bắt đầu nhé!
1. “Viết cho người khác” là gì?

“Việc viết cho người khác” là dùng công cụ viết lách để giải quyết một vấn đề nào đó của người khác.
Người khác ở đây có thể là bạn, cô, thầy, chú, bác, một người không quen biết, một người lớn hơn bạn, nhỏ hơn bạn, một người khác bạn, giống bạn,….
Và kỹ thuật viết ở đây là cách người viết bố trí thông tin một cách logic và chuẩn chỉnh để có thể tiếp cận người đọc dễ dàng hơn.
2. Cần chuẩn bị gì cho việc “viết cho người khác”?

Dành một ít thời gian để nghiên cứu, mình nhận ra rằng điều quan trọng bật nhất khi viết cho người khác là SỰ THẤU HIỂU. Khi hình dung được khán giả của mình, bạn biết cách khai triển ý tưởng, biết cách nắm bắt được những nhu cầu của họ. Từ đó bằng kỹ năng viết của mình để THUYẾT PHỤC người đọc tiến đến một hành động nào đó.
3. Những kỹ năng cần có để viết cho người khác

Trong bài viết #30. Trở thành Copywriter – lộ trình thiết thực cho người mới bắt đầu – Content Hacks Newletter, tác giả có chỉ ra một số kỹ năng để viết cho người khác như:
– Kỹ năng nghiên cứu thông tin.
– Kỹ năng tìm kiếm & phân tích insight.
– Kỹ năng viết cơ bản.
– Kỹ năng tìm kiếm ý tưởng.
– Kỹ năng viết Headline, body copy, CTA trong quảng cáo.
– Kỹ năng tự biên tập.
– Kỹ năng xây dựng và hoàn thiện một định dạng nội dung nhất định (Như Social Post, Blog Post,…)
4. Một số nguồn thông tin để tham khảo về việc viết cho người khác

– Những blog về viết cho người khác như: Content Hacks, Hoà Lương, Ngáo Content, Linh Phan,…..
– Về kiến thức bạn có thể tham khảo (#30. Trở thành Copywriter – lộ trình thiết thực cho người mới bắt đầu – Content Hacks Newletter) :
+ Kiến thức về ngôn ngữ – bạn có thể đọc cuốn sách “Hôm nay phải mở mang” của tác giả Nguyễn Thùy Dung.
+ Kiến thức về sáng tạo – bạn có thể đọc cuốn sách “90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ” của anh Huỳnh Vĩnh Sơn.
+ Kiến thức căn bản về Marketing – bạn có thể tìm đọc một số cuốn sách của Seth Godin hoặc các Website uy tín của Việt Nam như Brands Vietnam, Advertising Vietnam, Tomorrow Academy…
+ Kiến thức về tư duy Copywriting – bạn có thể đọc lại trong một số bản tin của Content Hacks
5. [Cá nhân] Lộ trình như thế nào để trở thành người viết cho người khác?

Đối với cá nhân, mình sẽ đi theo hướng giải quyết được vấn đề: “Làm sao để viết được một bài viết cho người khác mỗi tuần?”.
Nếu vậy, thời gian đầu mình cần tìm hiểu:
– Tư duy hướng đến người đọc.
– Nghiên cứu thông tin
– Tìm kiếm & Phân tích insight
– Rèn luyện kỹ năng viết theo những kỹ thuật nhất định
Mình sẽ dành thời gian mỗi ngày 30p để nghiên cứu về cách viết và hoàn thiện mỗi bài viết vào cuối tuần.
6. [Cá nhân] Liệu kỹ năng viết cho người khác sẽ giúp ích như thế nào cho mình trong tương lai nhỉ?

– Thứ nhất, dù không rèn giũa kỹ năng này, mình vẫn sẽ tiếp tục viết. Nhưng mình sẽ không hướng đến một mục tiêu cụ thể khi viết mà chỉ viết theo bản năng. Nếu thay đổi tư duy hướng đến người đọc, mình sẽ có thể rèn dũa thêm một loạt kỹ năng khác. Và điều đó sẽ làm những bài viết của mình dễ dàng được đón nhận hơn.
– Thứ hai, viết lách là một thế mạnh của mình. Và tốt nhất là nên mài dũa nó thật sắc bén. Như trong quyển sách “Phương pháp học Simon” có một trích đoạn về việc bạn nên sử dụng thời gian của mình như thế nào. Nếu là thỏ, hãy tập chạy. Nếu là cá, hãy tập bơi. Đừng bắt thỏ bơi và cũng đừng bắt cá phải chạy. Vì chúng sẽ khó và cũng chẳng thành công đột phá. Vì vậy hãy cứ thử sức với điểm mạnh của mình.
– Thứ ba, các kỹ năng sẽ có sự bổ trợ cho nhau chứ không hề là sự lãng phí. Ví dụ như khi học rèn dũa việc thấu hiểu insight, mình sẽ có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực: kinh doanh, marketing, thiết kế, bán hàng online,… Hay khi rèn luyện khả năng nghiên cứu, mình sẽ có thể nắm bắt được những điểm cốt lõi một cách nhanh chóng trước khi đào sâu vào bất kỳ lĩnh vực nào.
7. [Cá nhân] Đích đến của mình trong việc viết cho người khác là gì?

“Một điều mà bạn làm suốt đời, bạn không muốn làm nó một cách hời hợt.”
Việc mài dũa một kỹ năng cần thời gian. Và rằng có lẽ mình không cần quá gấp rút trong việc rèn dũa kỹ năng “viết cho người khác”. Vì đây sẽ là công việc mà mình sẽ làm làm nó cả đời. Mình chỉ muốn làm rõ đích đến trong việc thay đổi tư duy viết lách này:
– Thứ nhất, cho bản thân: Việc “viết cho bản thân” đã giúp mình phát triển. Và mục đích của việc thay đổi tư duy “viết hướng đến người khác” cũng là để phát triển.
– Thứ hai, cho người khác: Trước đây mình không viết cho người khác. Hiện tại mình muốn thay đổi tư duy này. Mình sẽ nghĩ về người khác trước khi viết. Và luyện tập quá trình nghiên cứu insight – nghiên cứu thông tin – kết nối thông tin – viết lách trong thời gian sắp tới.
– Thứ ba, dám: Thực ra điều khó nhất chính là sự “Dám”. Dám chia sẻ, dám nhận phản hồi, dám chịu trách nhiệm, dám thể hiện chính mình. Đó mới chính là phần khó nhất của hành trình này. Và mình có một chút sợ hãi nhưng cũng sẽ học cách “dám” dần dần trong thời gian sắp tới.
8. [Cá nhân] Những điều gửi gắm

Nói ít, nghĩ ít, học nhiều và làm nhiều, người bình thường thường làm được những điều phi thường” – đây là một câu nói mình đọc được trong quyển sách “Phương pháp học của Simon“. Mình rất thích câu nói này.
Mình muốn gửi gắm một vài điều cho bản thân mình và cho người khác trong hành trình sắp tới:
– Chính mình: Việc rèn dũa kỹ năng nào cũng cần thời gian. Và mình cần nhận ra bản chất của chính “sự chững lại” đó trong hành trình phát triển. Luôn luôn kiên định và vững tin với lựa chọn của mình. Và cố gắng để mang đến những giá trị tốt nhất cho người khác.
– Người khác: Mình vẫn chưa hình dung được “độc giả” của mình là ai. Nhưng nếu mình có thể dùng ngòi bút của mình để mang tới tác động tích cực cho một ai đó, mình sẽ không làm nó một cách hời hợt. Một sự đầu tư chuẩn chỉnh và nghiêm túc sẽ là những điều mà mình áp dụng trong các bài viết sắp tới.
Hy vọng bạn sẽ tìm thấy được nhiều điều hữu ích trong những chia sẻ đó.
Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này.
Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới. See ya ~~~