Chào mọi người,
Chào mừng mọi người đến với blog tháng 06,
Trong bài viết này mình muốn gửi đến một vài góc nhìn về việc làm chủ cảm xúc. Thứ mà mình phải trải qua dường như mỗi ngày trong tháng 06 vừa rồi. Đối mặt, nhận diện và vượt qua những cảm giác không thoải mái mà mình có.
Trong bài viết này, mình có đề cập đến việc che dấu cảm xúc, hội chứng “Alexiathymia” trong việc khó nhận diện được cảm xúc và những trải nghiệm của mình trong việc bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc khó. Mình hy vọng rằng bạn cũng tìm được một điều gì đó hay ho trong bài viết này. Còn giờ thì, cùng mình bắt đầu nhé.
1. Cảm xúc bị chôn giấu

Làm việc liên tục trong ngày, mình phải đối diện với những suy nghĩ không hồi kết. Nhưng mình không thể nhận diện nó và đưa ra những lời giải rõ nét về việc mình là ai, tại sao mình lại thế, những cảm xúc mình đang có là gì và tại sao chúng lại xuất hiện.
Trong một thoáng chốc mình nhận ra, sự thiếu kết nối với cảm xúc khiến mình khó khăn hơn trong việc kiểm soát, duy trì năng lượng và tập trung vào những điều quan trọng. Để có thể cải thiện tình hình, mình cần xác định được điều gì đang xảy ra và mình có thể làm điều gì để giúp.
2. Sự ức chế cảm xúc
Một trong những thứ mình đối mặt trong tháng vừa qua chính là sự ức chế cảm xúc. Mình không biết cách thể hiện cảm xúc, không nhận diện cảm xúc mình đang có, cũng như không có bất cứ sự kết nối nào với cảm xúc đó.

Trong bộ phim Inside out 2 mình mới xem có một tình tiết tương tự. Đó là khi tất cả các cảm xúc (Hạnh phúc, Buồn bã, Sợ hãi, Giận dữ) lựa chọn việc dừng đưa ra quyền quyết định, nó khiến cho nhân vật chính – Riley không cảm nhận được bất kỳ một cảm xúc nào. Trong bộ phim Inside out 02, Riley chỉ trải qua trải nghiệm đó trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Nhưng mình tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu đó là một trải nghiệm xuyên suốt trong cuộc đời của cô bé?
“Không bộc lộ bất cứ cảm xúc gì” chính là một trải nghiệm mà mình thường xuyên trải qua trong khoảng thời gian niên thiếu. Vào thời điểm đó, mình thường chôn dấu những cảm xúc mình đang có. Hoặc chọn việc né tránh những cảm xúc khó vì mình không tìm ra cách để cải thiện tình hình.
3. Tại sao mình lại chọn bỏ qua những cảm xúc?
Mình nghĩ có không ít những nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên. Như việc không có thời gian để nhìn lại cảm xúc, không dám bộc lộ cảm xúc hay đè nén cảm xúc như một thói quen,… Những tác nhân dẫn tới lựa chọn không bộc lộ cảm xúc có thể đến từ nhiều yếu tố như: bạn bè, môi trường, tính cách, gia đình,….

Hệ quả của việc kiềm nén cảm xúc là sự xuất hiện của hội chứng mang tên gọi “Alexithymia”. Theo chia sẻ của Dr. Dawn Neumann (Giáo sư Đại học Indiana (IU) và Giám đốc Nghiên cứu tại Bệnh viện Phục hồi Indiana (RHI), Alexiathymia là một hội chứng mà người trải qua không nhận diện được cảm xúc của chính mình. Từ đó cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt các cảm xúc bằng từ ngữ, đồng thời thiếu khả năng kết nối cảm xúc với tri giác và hành vi. Cô chia sẻ rằng “Alexithymia” có thể được xem như là “không có từ nào cho cảm xúc” – “no words for emotions”.
Alexiathymia có thể bị nhầm lẫn với các chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống và các vấn đề chấn thương tinh thần khác, nhưng nó chỉ đơn thuần là không thể nhận biết được cảm xúc. Alexiathymia khiến cho cảm xúc diễn biến theo những chiều hướng phức tạp hơn. Từ đó mang tới những hành vi trái với mong muốn vì không nhận biết được cảm xúc đúng cách.
4. Trải nghiệm của mình

Hệ quả của Alexiathymia khiến cho mình trải qua một giai đoạn mất phương hướng trong suốt thời gian đầu đại học. Mình đặt tên cho những cảm xúc đó là “sự trống rỗng”. Nhưng có lẽ rằng mọi thứ phức tạp hơn thế. Sang chấn tâm lý, chấn thương tâm lý, tổn thương tâm lý, trầm cảm,…. Sự suy giảm của hệ thống miễn dịch và sức khoẻ thể chất? Tất cả những điều đó đã tạo nên những biến đổi sinh hoá phức tạp trong cơ thể mình. Chúng khiến cho mình khó lòng nào có thể kết nối dễ dàng được với bản thân và với thế giới.

Di chứng sau đó đã khiến bản thân mình trở nên “yếu ớt hơn”. Nếu đó đúng là những gì đang diễn ra. Bởi vì mình cần dành rất nhiều thời gian để quản lý được cuộc sống cá nhân. Mối quan tâm hàng đầu của mình chính là đảm bảo cho sức khoẻ tinh thần và thể chất của mình vẫn ổn. Mình luôn cố gắng làm tốt nhất những gì có thể (đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thường xuyên, thư giãn, có một giấc ngủ đủ…) để tránh tình trạng cơ thể mình bị quá tải bởi những áp lực đang diễn ra.
Nhưng mình cũng đồng thời muốn thể hiện được năng lực trong công việc. Mình muốn cố gắng đủ nhiều để thấy được tiềm năng của bản thân. Xây dựng được sức đề kháng để chống chịu với stress cũng như những điều bất như ý khác trong cuộc sống. Nhưng điều đáng nói là, khi nào thì mình nên học cách lùi một bước để bảo vệ cơ thể khỏi những tác động quá lớn từ công việc? Và khi nào thì mình nên cống hiến – bất chấp mọi kết quả có thể xảy ra?
5. Thay đổi tâm thế và làm khác đi
Nếu có thể đưa ra một câu trả lời tạm thời cho câu hỏi trên – mình sẽ đặt lại một câu hỏi rằng: Với mình, điều gì là quan trọng?

Thực ra, mội trải nghiệm sẽ trở nên đẹp đẽ và trọn vẹn hơn rất nhiều nếu mình có thể dành trọn tâm huyết cho nó. Nhưng đồng thời, nếu mình không đủ tỉnh tại để nhận ra được vẻ đẹp từ sự cố gắng thì mọi thứ rồi cũng sẽ trở thành hư vô – Đến đó rồi mất đó lúc nào không hay.
Thứ thực sự quan trọng với mình là gì? Theo mình thì đó là việc mình có thể trở thành một con người tốt hơn mỗi ngày. Việc mình nhìn những khó khăn và thách thức như một cơ hội có thể khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn.

Tuy nhiên, cống hiến hết mình cũng không đồng nghĩa với việc bỏ bê bản thân. Mình cần thay đổi tâm thế rằng mọi thử thách đang giúp mình lớn lên. Và rằng trong mỗi phút mỗi giây mình đều đang làm việc cho chính mình. Hiểu được điều đó, mình sẽ không phải e ngại việc đánh mất bản thân để cống hiến cho một điều gì đó đang làm mình tệ đi mỗi ngày.
Mỗi thử thách là một cơ hội. Mỗi môi trường là một chất xúc tác khó tìm lại. Thay vì dùng năng lượng để né tránh, mình hãy dùng năng lượng để chấp nhận, thích ứng, làm mới mình và sống ôn hoà với những thử thách mà mình đang đối diện.
Nếu làm được điều đó, mình sẽ có thể trở thành một con người bền bỉ theo đúng cách mà mình mong muốn. Và mình cần ghi nhớ về ba điều quan trọng nhất: Hy vọng, Tích cực, Bền bỉ. (Three important things: Hope, Optimistic, Resilience).
Hy vọng mình không quên kiên trì bền bỉ tiến về phía trước một cách tích cực. Mình hy vọng bạn cũng vậy. Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới. See ya ~~~