Chào bạn đã đến với blog tháng 05 của mình. Bài viết này mình chia sẻ những bài học mình có được về những chuyện đã xảy ra trong tháng 05 vừa qua. Tháng 05, mình đã gánh gồng nhiều thứ hơn bản thân mình có thể. Khi mình phát hiện ra mình đang quá sức cũng là lúc thể trạng cơ thể mình xấu đến mức mình không thể tiếp tục làm việc hay suy nghĩ được nữa.
Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ về những bài học mình đã học được trong việc đưa ra quyết định. Đâu là những cái giá phải trả khi lựa chọn điều này thay vì điều khác, đâu là sự đánh đổi, đâu là nỗi day dứt đưa ra những lựa chọn tệ hại. Đôi khi những suy nghĩ của mình có thể mang tính phiến diện hoặc chủ quan, mình biết rằng không có đúng sai cho tất cả, vậy chi bằng mở lòng để đón nhận? Mong rằng bạn sẽ tìm được một điều gì đó hay ho ở bài viết này. Còn giờ thì cùng mình bắt đầu nhé!
I. Câu chuyện
“Giá như mà mình có nhiều thời gian hơn, giá như mình biết tận dụng thời gian tốt hơn một chút, giá như mình có thể kiểm soát được cuộc sống của mình hiệu quả hơn, giá như mình nhìn ra được rằng mình đã mất khả năng sáng tạo, mất năng lực tự chủ, mất khả năng tập trung. Đó là những điều mình đã tự nhủ khi đã đưa ra những quyết định không đúng đắn hoặc trải qua những ngày tháng cơ thể mình yếu ớt. Mình đánh mất đi mất vài điều tốt đẹp: sự tín nhiệm, sự tin tưởng, lòng yêu thương, sự sẻ chia,.. khi lựa chọn theo đuổi quá nhiều công việc cùng một lúc. Cho dù cho mình có không ý thức được điều đó nhưng mình không thể phủ nhận một sự thật rằng: Khi mình lựa chọn quá nhiều thứ cùng một lúc, mình sẽ không đủ sức để mang đến cho chúng những kết quả tốt nhất.”
Đó là chút tóm tắt cho cảm xúc ngay lúc này. Còn đây là câu chuyện trong tháng 05 của mình:
Mình ôm đồm quá nhiều thứ. Và trong những ngày này, mình không thể dành thời gian để thư giãn hay làm những làm những điều mà mình thích vì mình luôn phải gắn mình với những tác vụ. Nhưng mọi thứ đã không phải là vấn đề nếu mình có thể hoàn thành công việc, thay vào đó, cơ thể mình yếu ớt và mình không thể tập trung được – mình mất đi năng lực tự chủ. Một vài điều mà mình có thể làm chỉ là viết, đánh đàn, trò chuyện với gia đình, bạn bè, tập thể dục, nấu ăn,… những điều không cần phải “cố gắng” nhiều để đạt được. Tuy vậy, ý nghĩ phải hoàn thành xong những tác vụ để có thể làm được những điều mình thích cứ luôn chực chờn trong tâm trí mình. Mình kết thúc bằng việc không thể làm được gì đồng thời chôn vùi bản thân mình trong những trăn trở, suy nghĩ tiêu cực và lo âu. Sự bí bách đó đã làm héo mòn dần cả về thể chất và tinh thần mình.
Tuy vậy, có một điều hay ho là, đây lại là những ngày mình có thể viết. Ngược lại, khi mình muốn viết trong những ngày thật năng suất thì đó lại là một điều khó không tưởng. Mình không biết bắt đầu từ đâu, câu chuyện là gì, mình nên đề cập về vấn đề nào, mình đang cảm thấy như thế nào? Mình không thể nhận ra sự khắc khoải khi mình đang làm việc một cách hiệu quả. Và có lẽ mình thích cảm giác khi hệ thống luôn làm việc một cách trơn tru như vậy. Nhưng cuộc sống của mình lại không bằng phẳng như thế, chúng luôn chực chờ đem đến cho mình những nổi khắc khoải và bắt mình phải dừng lại để nhìn nhận – để viết. Cuộc sống khiến mình phải chấp nhận một sự thật rằng mình vẫn chưa đủ sức để phát triển nhanh đến vậy. Mình cần phải đi những bước chậm, bước vừa phải phù hợp với sức mình với sự kiên trì và nhẫn nại. Nó giống như việc luyện tập chạy bộ vậy, để đi được đường dài thì mình cần phải luyện tập thật nhiều. Khi năng lực mình không đủ tốt thì khi chạy đường dài mình sẽ rất dễ bị kiệt sức và mất một khoảng thời gian dài để hồi phục.
II. Bài học
Và dưới đây là một vài câu hỏi và những lời tâm sự mình đã tự dành cho bản thân trong những ngày tháng khi mình không thể làm một điều gì đó quan trọng. Mình xem chúng như những bài học về sự lựa chọn mà mình đã học được trong tháng này. Chúng đã giúp ích nhiều đối với mình, mình mong rằng chúng cũng giúp ích đối với bạn! Còn giờ thì bắt đầu nào ~
01 – Ép buộc thì không vui
Mình không cần phải quá lo lắng về việc mình làm một điều này mà không làm những điều khác. Sẽ có một khoảnh khắc, tất cả những điều mình có thể làm chỉ là suy nghĩ về ước mơ mà thôi. Và có những khoảnh khắc, những điều mình có thể chỉ là làm việc, làm việc và làm việc mà thôi. Cuộc sống này đầy rẫy những điều hay ho như vậy, và cá nhân mình không nên gò bó bản thân vào những quy củ nhất định. Nếu có thể, cứ thả lỏng để bản thân mình làm những điều mình thích. Cứ chill thôi và rồi mọi thứ sẽ đi theo đúng lối của chúng. Ít ra thì mình không làm điều gì đó sai trái. Ít ra thì mình vẫn luôn hướng về những điều tốt đẹp. Mình nghĩ rằng việc có hay không đầu tư cho bản thân, cho sức khỏe, cho những mối quan hệ, cho tài chính phụ thuộc rất lớn vào cái muốn của mình trong một thời điểm nhất định. Và những lựa chọn thực sự rất quan trọng, mình phải suy nghĩ thật kỹ trước khi chọn lựa một điều gì đó lâu dài cho tương lai. Thông minh nhất là chọn lựa những thứ mà mình không thể nào sống thiếu được.
Có những lúc mình thích viết thực sự, có những lúc mình chỉ lại thích làm. Và không có vấn đề gì cho việc cảm xúc mình thay đổi như chong chóng tre cả. Vì mình có nhiều mối bận tâm và mình cần dành cho chúng những sự tận tụy nhất định. Đó là lý do mình phải chọn lựa: sống vì mục tiêu hoặc sống không có mục tiêu. Sự tự do sẽ phải đánh đổi lấy sự mơ hồ. Nhưng sự cố định sẽ mang đến sự nhàm chán. Không có cái nào là không có cái giá của nó. Quan trọng là mình muốn trả cái giá nào thay vì cái nào. Và mình cần biết rõ bản thân mình: điểm mạnh, điểm yếu, những điều mình không thể sống thiếu được và những điều mình sẵn sàng từ bỏ bất cứ lúc nào. Mình không cần phải vùi mình trong những trải nghiệm để tìm lấy những bài học. Mình có thể nhìn thấy bài học ngay cả khi chưa bắt đầu. Hãy cân nhắc về điều đó!
02 – Mình cần gì để sống?
Một số người gắn mình với một số thứ cố định, một số khác lại không gắn mình với bất cứ điều gì. Như Viktor Frankl trong quyển “Đi tìm lẽ sống” đã nói, điều làm nên một cuộc đời đáng sống chính là “một cuộc sống có ý nghĩa”, hay nói cách khác là chính con người ta phải chịu trách nhiệm hay gắn kết với một điều gì đó mà “Thiếu chúng thì ta không thể sống được” và đồng thời “Thiếu ta thì chúng cũng không thể tồn tại”.
Đối với mình, ít nhất thì mình cần viết để sống. Và ít nhất thì ngay cả khi mình có trải qua điều tệ nhất, mình vẫn sẽ tiếp tục viết để tồn tại. Chỉ đơn giản rằng đây là điều mình mình cần nó vô cùng. Mình không thể trách bản thân vì lãng phí thời gian cho một thứ mà mình cần để duy trì sự sống. Vì chẳng phải thiếu nó thì mình đã chẳng là mình hay sao? Nhưng những suy nghĩ mình đặt ra là cần thiết, chúng phải ở đó vì chúng có ý nghĩa. Mình cảm thấy rằng không phải dễ dàng để mọi thứ đều được phơi bày, phô diễn: Những thành tựu mình đạt được, những trải nghiệm mình có, những điều mình đã dành thời gian và công sức để đạt được. Đó có thể là những điều người khác sẽ cần và đó hẳn là điều mình có thể viết để giúp. Tuy vậy, thay vì đặt ra những mục tiêu xa vời và chẳng thiết thực, mình hãy cứ làm những điều mình có thể: Viết về những điều mà mình để tâm về chúng. Và rồi đến một thời điểm : “Bụp”, mọi thứ mình làm trở nên có giá trị. Đặc biệt hơn, những bài viết về cảm xúc của chính mình lại trở nên có giá trị hơn cả. Vì đâu phải ai cũng hoàn hảo, đâu phải ai cũng chỉ có những trải nghiệm tuyệt vời mà không có khoảng tối. Mình đã thất vọng, đã khổ đau, đã lầm đường lạc lối, nhưng mình vẫn bước đi. Một mai khi mình nhìn thấy lối, mình sẽ dẫn đường cho những người khác. Nhưng câu chuyện này chỉ mới bắt đầu, mọi thứ còn xa, mình chỉ biết tiếp tục. Nếu mình không thành công, mình vẫn sẽ tiếp tục thôi. Nhưng nếu mình thành công, mình ắt hẳn sẽ tự hào về bản thân mình nhiều lắm. Chẳng phải vậy sao?
03 – Không được quên đi trách nhiệm
Mình không thể trả lời rõ ràng câu hỏi của tương lai. Biết đâu được những điều mà mình làm không được ai đón nhận. Cũng biết đâu được những điều mình làm lại được lại có thể mang lại giá trị cho rất nhiều người thì sao? Nhưng suy cho cùng thì, đây là điều mà mình vẫn có thể theo đuổi ngay cả khi không có sự chắc chắn. Vậy thì bỏ đi việc kiên trì đó, mình sẽ lựa chọn có muốn đánh đổi cuộc sống bình thường để sống hết mình vì lý tưởng hay không. Thì câu trả lời sẽ là không.
Như câu chuyện về Santiago trong “Nhà Giả Kim”: Nhà thông thái đã yêu cầu anh cầm chiếc muỗng chứa dầu để đi khắp căn phòng mà không đổ. Lần đầu, anh mải chú tâm vào giọt dầu đến độ quên mất những điều xung quanh. Lần hai anh lại mải mê nhìn ngắm mà quên mất giọt dầu của mình. Bí quyết để cân bằng ở đây chính là, đảm bảo vừa có thể nhìn ngắm mọi thứ nhưng không quên mất đi giọt dầu mà mình đang nắm giữ. Mình cảm thấy giữa đam mê và thực tế cũng vậy, cần có một sự cân bằng nhất định. Mình có thể bay bổng đủ nhiều nhưng không được quên đi những mối lo đang thường trực ngay trước mắt. Và có thể một lúc, mình phải đánh đổi một thứ để có một thứ khác nhiều hơn. Nhưng mình buộc lòng phải ghi nhớ, dù thất bại hay thành công thì đó cũng chỉ là một sự lựa chọn. Và ngay từ đầu mình đã chọn nó vì một lý do.
04 – Biết đủ là hạnh phúc
Vậy mình muốn đặt lại một câu hỏi là: Thế khi mình có Tình yêu, sự tự do, kinh nghiệm sống, sự biết ơn và lòng nhân ái thì sao? Tại sao mình không đặt câu hỏi khi mình có chúng?
Người ta chỉ chú tâm và những thứ mình thiếu thay vì học cách biết ơn những thứ mình có. Và như mình nói, mọi thứ đều có cái giá của chúng, quan trọng là mình lựa chọn cái giá nào và sẵn sàng đánh đổi của giá nào để đi trên con đường của chính mình. Thứ gì thiếu và cần thiết thì theo đuổi chúng. Thứ gì thiếu nhưng không quan trọng thì lờ đi. Ở một thời điểm, mình không thể có tất cả và mình phải nhận thức được điều đó. Nhưng nó cũng không đồng nghĩa rằng mình sẽ mãi mãi không đạt được thứ mình muốn ở một thời điểm khác. Đôi khi, quá nhiều chính là mặt trái của khổ đau. Có những thứ cần phải buông bớt. Có những thứ càng nhiều lại càng hạnh phúc hơn. Nhưng làm sao chúng ta nhận diện được đâu là thứ cần buông, đâu là thứ cần phải trao dồi. Hãy lắng nghe tiếng gọi của con tim, đâu là điều khiến trái tim mình hân hoan khi nghĩ tới!
05 – Tự mình
Chắc chắn mình không phải là ngoại lệ. Nhưng mình biết mỗi người sẽ phải sống những cuộc đời khác nhau. Và sáng suốt nhất là đừng để người khác làm ảnh hưởng đến những lựa chọn liên quan đến cuộc đời của mình. Bởi vì sau tất cả, chính mình mới là người phải trả giá cho những quyết định. Chính vì vậy mà mình phải tự quyết định. Phải thông minh trong những chọn lựa.
Nói như vậy không có nghĩa là tự nhiên mình đã là người thông minh, mình rất ngớ ngẩn. Ngớ ngẩn ở chỗ mình không biết nhiều về chính mình và không biết nhiều về thế giới nên mình cứ liên tục chọn sai. Mình chọn sai nhiều dẫn đến những kết quả không như mình mong muốn. Mình không phân biệt được những điều mà xã hội mong cầu với những điều mà mình thực sự mong đợi.
Mình cũng không nhận thức rõ được rằng năng lực của bản thân đang ở đâu và thiên hướng làm việc của mình là gì. Mình muốn cố gắng hết mình cho một mục tiêu hay mình muốn dàn trải cuộc sống cho nhiều khía cạnh khác nhau. Mình đặt ưu tiên nào lên hàng đầu, mình có thể sống chết vì điều gì và có thể dễ dàng từ bỏ điều gì khác. Những câu hỏi này chỉ có thể được trả lời nếu mình có trải nghiệm. Và trải nghiệm chính là thứ duy nhất giúp mình nhận ra được sự ngớ ngẩn của bản thân.
Nhưng nếu mình né tránh trải nghiệm, mình sẽ liên tục vướng phải những câu hỏi không có lời giải. Và rằng mình sẽ đi theo sự chỉ dẫn của người khác hoặc đi theo những giả tưởng của chính mình. Nhưng người khác thì có cuộc đời của chính họ còn giả tưởng của mình thì có thể đúng hoặc sai. Trong trường hợp mình không thử, mình sẽ mãi mãi không biết: không biết về chính mình và không biết về thế giới. Nếu mình cứ không biết thì mình cứ mãi ngớ ngẩn.
Sẽ không ai đến để mở rộng trái tim mình hay mở rộng khối óc mình ra. Mà chính mình phải là người làm điều đó. Điều gì cũng cần sự luyện tập, chẳng phải vậy sao? Mình nghĩ rằng những sự lựa chọn trong cuộc sống cũng vậy. Phải ngớ ngẩn vài lần để rồi trở nên thông minh. Nếu mình có thể thông minh ngay từ đầu, vậy thì tốt rồi. Nhưng cuộc sống này không như vậy, nó cho mình được tùy cách ứng biến với những điều bất ngờ mà cuộc sống mang đến. Và bởi vì mình được phép sai, được phép sửa, được phép chỉnh lại những điều chưa tròn nên mình mới có thể hạnh phúc vì những điều đã tròn. Chẳng phải vậy sao?
06 – Để được sống trọn vẹn
Hoàn toàn có và có rất nhiều. Nếu mình biết cách đón nhận mọi thứ hơn, mình đã không phải nhỏ nhen và ích kỷ đến vậy. Nếu mình nhiều về câu chuyện của mọi người hơn, mình đã không dễ dàng đánh giá người khác chỉ vì hành động của họ. Nếu mình trải qua nhiều khổ đau hơn, mình sẽ không dễ lờ đi những nỗi niềm của người khác. Nếu mình có thể quên đi sự tổn thương của mình một chốc, mình đã không để người khác phải gánh chịu những tổn thương không đáng có. Nếu mình có nhiều hơn, mình đã có thể cho đi nhiều hơn.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng mình hối hận vì tất cả những điều đã xảy ra. Mình không hối hận về bất cứ điều gì! Vì có chúng, mình mới có được ngày hôm nay. Có những nỗi đau buồn, nỗi khắc khoải, những nỗi vui, những nỗi cô đơn cùng cực, những nỗi ái kỷ, nỗi tổn thương đó, mình mới có thể thấu hiểu cho những tâm hồn tương tự.
Chỉ có một điều mình khắc khoải, đó chính là sự thấu hiểu của mình còn hạn hẹp. Mình vẫn làm cho người khác phải cảm thấy không tốt chỉ vì mình không tốt. Mình vẫn có những suy nghĩ đề cao một tính cách này hơn tích cách khác. Mình vẫn quá ích kỷ và hẹp hòi, mình không muốn cho đi nhiều hơn nếu không được nhận lại. Nếu mình có thể làm khác đi, mọi thứ hẳn sẽ tốt đẹp hơn – Thế giới này.
Nhưng làm sao nhỉ? Mình tự hỏi? Để có được những sự hiểu rất tự nhiên đó, có lẽ mình phải trải qua nhiều thứ lắm. Hay là chỉ lắng nghe thôi nhỉ ? Lắng nghe thật sâu sắc cuộc đời của một ai đó khác? Chỉ là cứ sống, quan sát thật kỹ cuộc sống này và lắng nghe?
Mình vẫn chưa biết nữa. Mình vẫn còn phải học nhiều lắm!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm bài viết trong tháng 05 của mình.
Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới!
-Aleneutral-