Blog tháng 02: Hoà nhập nhưng không hoà tan

Chào mọi người!

Chào mọi người đến với blog tháng 02 của mình,

Tháng 02 năm nào cũng vậy, mình đều cảm thấy lạc lõng và mất định hướng. Trong tháng 02 này, mình muốn giới thiệu đến mọi người một số điều mình nhìn thấy được về sự biến động, thích nghi và thay đổi trong cuộc sống. Mình hy vọng bài viết này có thể mang lại cho mình sự rõ nét hơn về những bài học mình có trong tháng này. Đồng thời có thể mang lại cho bạn một góc nhìn nào đó về việc thích nghi trong xã hội để có thể hoà nhập nhưng không hoà tan.

Ngoài ra, mình cũng có lồng ghép một số hình ảnh trong câu chuyện “Alice ở xứ sở thần tiên” vào mỗi bài học. Mình nghĩ rằng những gì được dẫn dắt trong truyện có phần nào tương đồng với sự mất định hướng của mình trong tháng này. Hy vọng rằng những bức ảnh minh hoạ sẽ khiến trải nghiệm đọc của bạn trở nên thú vị hơn.

Giờ thì mời bạn cùng trải qua một vài sự kiện quan trọng trong tháng này cũng mình. Mình nghĩ rằng bài học trong tháng 02 này sẽ là những hành trang vững vàng cho mình trong suốt phần đời còn lại. Biết đâu chúng cũng mang lại góc nhìn mới mẻ nào đó cho bạn. Còn bây giờ thì, cùng mình bắt đầu nhé!


1. Sống cuộc đời ổn định một cách tự do

Bạn nghĩ rằng chúng ta có thể sống cuộc đời ổn định một cách tự do được không?

Nguồn ảnh: https://www.yardbarker.com/————

Bạn nghĩ sao? Mình thì nghĩ việc đó hoàn toàn có thể. Mình muốn có công việc cố định và có khả năng thăng tiến. Mình cũng muốn có sự tự do trong việc nhìn ngắm thế giới. Chính vì vậy mà mình đã hướng tới việc thay đổi chỗ ở thường xuyên để thuận tiện cho việc di chuyển trong công việc và khám phá thế giới. Mình đã từng sinh sống ở Ninh Gia, ở Đà Lạt, ở TPHCM. Mình cũng đã từng chuyển chỗ ở TPHCM từ quận 07, Nhà Bè đến Quận 10. Sắp tới mình còn muốn sống và làm việc ở nhiều nơi khác ở TPHCM và khắp Việt Nam. Nhân lúc mình còn độc thân và nhân khi mình còn trẻ, mình muốn được mở rộng tam quan thông qua việc di chuyển thường xuyên và làm việc nghiêm túc.

Như nhà kinh tế Nhật Bản Kênichi Omae đã nói trong cuốn sách “Trả lời câu hỏi khó” đã nói rằng có ba cách để thay đổi một con người: Sử dụng thời gian theo cách khác, thay đổi nơi sống, gặp gỡ những người mới. Nếu việc sử dụng thời gian là để mở rộng giá trị quan, gặp gỡ người mới để mở rộng nhân sinh quan, vậy thì việc thay đổi nơi ở chính là để mở rộng thế giới quan.

Ngoài ra, việc chuyển nơi ở mới sang những vùng miền khác nhau ở Việt Nam và trên thế giới còn giúp mình có thể nhìn thấy được nhiều bức tranh văn hoá khác nhau. Từ những trải nghiệm đó, mình có thể thích nghi tốt hơn với những lối sống khác biệt. Mục tiêu của việc hoà nhập chính là vừa chung sống tốt với người khác, vừa có thể thoải mái thể hiện chính mình. Trong thế giới đa dạng và hội nhập này, đó chính là những kỹ năng tối quan trọng cần có để giữ được mình khi tiến ra thế giới.

2. Nếu đã không biết đường, thì đâu chẳng là đường

Bạn có nghĩ sự lạc hướng trong sự nghiệp là một điều đáng xấu hổ?

Alice: Tớ nên đi đường nào bây giờ?
Mèo Cheshire: Điều đó còn thuộc vào cậu muốn đi đến đâu nữa chứ?
Alice: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm đến nơi mà mình muốn đến.
Mèo Cheshire: Thế thì cậu cũng không nên quan tâm mình sẽ đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến nơi mà mình muốn đến thì đi đường nào mà chả được.

Nguồn ảnh: https://artinsights.com/———-

Người ta nói sau tuổi 25, mỗi con người sẽ định hình được rõ ràng những thứ thuộc về chính mình, cái tôi sẽ trở nên rõ nét hơn; đồng thời quan điểm sống cũng được xây dựng vững chắc. Đó chính là lý do mà những lựa chọn của chúng ta cũng theo một chiều hướng ổn định hơn.

Chính vì thế, khoảng thời gian từ 18-25 chính là thời điểm vàng để người trẻ có thể thoải mái trải nghiệm và tự do đưa ra những sự lựa chọn. Ở thời điểm này, trong bản thân mỗi người tồn tại nhiều câu hỏi về nhân sinh và về thế giới: Mình là ai, mình giỏi gì, sứ mệnh của mình là gì và mình có thể làm gì để cống hiến cho xã hội,..v.v… Điều này khiến người trẻ dễ bị lạc lõng, mất định hướng. Nhưng phải chăng sự lạc hướng đó cũng là một điểm hay trong cuộc hành trình. Hãy thử nghĩ về câu hỏi: “Nếu biết trước được kết quả cuối cùng của đích đến, liệu bạn có muốn tiếp tục cuộc hành trình hiện tại hay không?”.

Bạn nghĩ sao? Theo mình là dù có biết được kết thúc có không như mong đợi, mình cũng muốn sống hết mình với lý tưởng ở hiện tại. Bởi đối với mình, hạnh phúc ở hiện tại chính là có thể nhìn ra được những bài học mình có trong mỗi tháng. Dù trong tháng đó mình có khắc khoải đến thế nào đi nữa thì cho đến những ngày cuối cùng của tháng, những gì còn lại cũng chỉ những trải nghiệm và bài học. Mình không lưu giữ nỗi khốn khổ đó quá lâu như khi mình ở độ tuổi 16-19. Thay vì vậy, mình chọn đối diện với chúng, chấp nhận và mở lòng để học được những bài học cần phải học. Giống như chia sẻ của Shark Thái Vân Linh về tư duy con đường sự nghiệp qua câu nói: “Life is like a box of chocolates” (Tạm dịch: Cuộc sống giống như một hộp sô cô la), chúng ta sẽ không biết điều gì đang chờ mình phía trước. Vì vậy cho nên cứ tận hưởng, bất kể những điều không may nào ập tới! Vì có thể hương vị sau cùng của những trải nghiệm đắng ngắt sẽ là những bài học đáng giá ngọt ngào.

Ngoài ra, trong một thế giới biến động không ngừng thì rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Sự ổn định càng lớn thì rủi ro lại càng cao. Bởi nếu đánh mất sự ổn định tối ưu đó, mình sẽ không đủ sẵn sàng để đối mặt với hiện thực. Vì vậy bất ổn định có thể là một món quà để mình có thể học cách nhận diện tình hình và tìm cách ứng phó. Để có thể hoà nhập tốt, mình bắt buộc phải được tìm cách sống sót trong bất cứ hoàn cảnh nào.

3. Mang theo hành lý cố định đến bất cứ nơi nào

Việc hoà nhập cũng giống như việc di chuyển vậy. Để có thể đón nhận được một cách tự do vẻ đẹp ở nơi mình đang hiện diện, mình cần có một số hành lý cố định chắc chắn phải mang theo.

Để có thể đón nhận được một cách tự do vẻ đẹp ở nơi mình đang hiện diện, mình cần có một số hành lý cố định chắc chắn phải mang theo.

Nguồn ảnh: https://www.disneytouristblog.com/———————

Đi đến một môi trường mới, có nhiều người sẽ không thể hoà nhập được. Bản thân mình chính là một ví dụ điển hình. Khi mình đã quá quen với một môi trường thì sẽ rất khó để có thể hoà nhập với những môi trường quá khác biệt. Hoặc nếu có thể hoà nhập đi nữa, mình cũng sẽ bị rơi vào trạng thái hoà tan. Nghĩa là sau một thời gian, mình sẽ không còn nhận ra những mong muốn thực sự của mình nữa. Đây là một trạng thái rất dễ xảy ra đối với mình khi phải dành quá nhiều thời gian cho thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên việc biết được mình là ai cũng không phải là chuyện dễ. Như trong cuốn sách Đúng việc, tác giả Giản Tư Trung có nhắc đến 5 thành tố trong mô hình “Ta là sản phẩm của chính mình” (còn gọi là Mô hình quản trị cuộc đời). Theo đó, để biết và giữ vững được bản thân mình trong xã hội, ta cần rèn luyện việc: Khai phóng bản thân, Tìm ra chính mình, Làm ra chính mình, Sống với chính mình, Giữ được chính mình. Mỗi thành tố lại được tạo ra bởi các yếu tố cấu thành khác. Theo đó ta thấy, việc nhìn ra chính mình là một việc vô cùng phức tạp chứ không hề dễ dàng.

Sau một vài trải nghiệm hội nhập, mình nhận ra rằng bản thân mình cần phải luôn mang theo những hành lý cố định để không bị hoà tan khi chung sống với người khác. Hành lý cố định đó bao gồm: Self-care, Mindfullness, Self-Reflection – Chăm sóc cho bản thân, Tỉnh thức, Tự phản ảnh. Dù có đi đâu đi chăng nữa, cũng cần biết yêu mình, chăm sóc cho chính mình thật tốt; luôn luyện tập tỉnh thức để tách mình ra khỏi sự vật hiện tượng; và liên tục tự nhìn lại để xem mình là ai và mình đang ở đâu trong sự việc hiện tượng này.

Mình biết rằng đây là một quá trình khó để giữ được chính mình. Đặc biệt với người có tính cách hiền hoà như mình. Bởi vậy để có thể sống được với lựa chọn đã đưa ra, mình bắt buộc phải rèn luyện được cách giữ được chính mình trong một thế giới rộng lớn. Đó chính là cách duy nhất để mình có thể hoà nhập nhưng không hoà tan.

4. Nếu không nhìn thấy đích đến thì có đi hay không ?

Bạn là kiểu người nào? Đặt ra thật rõ những điều mình muốn đạt được và tìm cách đạt được chúng? Hay chỉ làm những điều mình thực sự yêu thích, bởi vì món quà lớn nhất của bạn là niềm vui trên chặng hành trình?

Nếu không thấy đích đến, liệu bạn có muốn bước đi hay không?

Nguồn ảnh: https://www.shanghaidisneyresort.com/————————

Trước giờ mình nghĩ một người không nhất thiết phải đặt ra những mục tiêu lớn trong cuộc đời. Ví như phải kết hôn vào năm bao nhiêu tuổi, xây được nhà năm vào bao nhiêu, thăng tiến trong sự nghiệp như thế nào trong 5-10 năm nữa. Bởi làm sao chắc chắn được 10 năm nữa mình sẽ ra sao trong khi cuộc sống này luôn đầy những điều bất ngờ khó đoán.

Thậm chí ngay cả khi viết bài blog này, mình cũng không thể biết trước là mình định viết gì và chỉ có thể hoàn tất mọi thứ vào đúng ngày cuối cùng của tháng. Vậy thì rốt cuộc, là mình nên bước những bước tiến nhỏ để đến được đích đến, hay là bắt đầu từ kết thúc và tăng tốc để đạt được những gì mình muốn?

Mình nghĩ rằng, cần phải chia ra những mục tiêu thành hai mảng riêng biệt: trái tim và lý trí. Những mục tiêu thuộc về lý trí thì có thể nhìn thấy, vẽ ra và theo đuổi một cách rõ ràng. Trong khi những mục tiêu thuộc về trái tim thì cần phải chiến đấu hết mình mà không màng kết quả thì mới có thể tới đích được.

Với những mục tiêu lý trí, việc hình dung rõ nét về vạch đích mang lại một cảm giác làm chủ sâu sắc. Đó chính là lúc con người ta có thể tăng tốc và thấy rằng mình đang phát triển một cách rõ rệt. Ngược lại, những mục tiêu trái tim thì lại mù mịt về đích đến. Chúng khiến con người ta trở nên chậm chạm và không chắc chắn. Như đã nói, mục tiêu trái tim đòi hỏi sự dũng cảm đủ lớn để có thể chấp nhận sự bất định trên chặng hành trình để có thể trung thực tuyệt đối với trái tim mình.

Chính vì thế mà nhiều người thường tách biệt giữa thành công và hạnh phúc. Tại sao không thể vừa thành công vừa hạnh phúc? Có phải những người thành công thường đi rất nhanh, họ mãi mê tăng tốc mà quên lắng nghe tiếng gọi của trái tim mình. Có phải bởi vì cảm giác không chắc chắn của mục tiêu trái tim thật sự rất khó chịu. Nhưng nếu không đủ dũng cảm để chịu được sự khó chịu đó, liệu chúng ta có đủ sẵn sàng để đón nhận hạnh phúc thực sự hay không? Mình tự hỏi?

Hơn cả thế, trong một thế giới hiện đại và phát triển không ngừng, người ta càng dễ quên đi những nhu cầu thực sự của bản thân mà chạy theo số đông. Nhưng nếu chỉ nghe theo lý trí mà quên mất trái tim, một ngày nào đó chúng ta sẽ bị hoà tan thực sự. Và chính lúc đó, câu hỏi mình là ai lại dấy lên không ngừng trong một trái tim khao khát được lắng nghe. Vậy bạn sẽ lựa chọn điều gì? Trái tim, lý trí hay cả hai? Nếu bạn lựa chọn cả hai, vậy bạn sẽ làm cách nào để tiến đến mục tiêu đó?

Hãy chia sẻ bên dưới phần cmt những cảm nghĩ của bạn về bài viết nếu có nhé.

Cảm ơn bạn để đến đọc bài viết này.

Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới. See ya ~~

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x