Blog tháng 02 (1): Review tháng 01, tư duy chiến lược và tập trung vào bản thân

Chào mọi người,

Bắt đầu với blog đầu tiên trong tháng 02. Mình sẽ viết 4 bài viết trong tháng này như mục tiêu đã đề ra trong tháng 01. Bài viết này sẽ tập trung về những nhận định của người khác về mình và những suy nghĩ mà mình có trong tuần qua. Học cách phân tích chúng với mục đích phản tư và phát triển. Xem xét điều gì là khả thi để thực hiện và hành động. Còn những điều không thể thay đổi ở thời điểm hiện tại thì để sang một bên và không bận tâm nữa.

Trước khi vào bài viết, mình sẽ review việc thực hiện những gì đã đề ra trong tháng 01.

Mình có đưa ra một số hành động trong tháng 01:

** Viết 7p mỗi ngày trên tin Aleneutral **

Tỷ lệ hoàn thành: 100%
Ghi nhận kết quả: Mình hiểu rõ về mong muốn của bản thân hơn. Mình hình dung rõ về điều mình cần tập trung trong ngày sau khi viết vào mỗi sáng. Điều đó không đồng nghĩa với việc chuyển hướng tất cả hành động theo suy nghĩ. Nhưng những suy nghĩ giúp mình tiến gần hơn với hành trình hiểu mình thêm một chút.

Điều này mang lại hai lợi ích:
– Tiết kiệm thời gian và năng lượng trong việc xác định những giá trị mình đang theo đuổi (Mình là ai, mình muốn gì, sứ mệnh của mình là gì)
– Làm rõ hơn những mục tiêu mà mình muốn hướng tới (trong một trạng thái tỉnh thức – không bị ảnh hưởng bởi xã hội)

Hành động: Mình sẽ tiếp tục duy trì thói quen này mỗi ngày

** Mỗi ngày ít nhất 15p cho thông tin hữu ích, đo lường trên Habit (sau 2 ngày thử nghiệm, mình thêm vào việc: chỉ sử dụng mạng xã hội khi có chủ đích) **

Tỷ lệ hoàn thành: Thông tin hữu ích (40%), sử dụng mạng xã hội có chủ đích (66,7%) – cắt giảm thời gian sử dụng điện thoại 56% – còn 1h50p/ngày.
Ghi nhận kết quả: Việc lướt mạng xã hội thường trong những ngày mình không tập luyện, dễ bị mệt mỏi. Nó giống như là một hệ quả do năng lượng thấp gây ra hơn là một nguyên nhân gây ra năng lượng thấp.

Tuy vậy, thời gian sử dụng điện thoại lại có ảnh hưởng. Vì khi mình quan sát về thời gian sử dụng điện thoại, mình thấy rằng nó cũng giống như việc sử dụng năng lượng vậy. Học được cách kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại cũng giúp mình trong việc quản lý năng lượng.

Điều này mang lại lợi ích: Nó giúp mình ý thức rõ về chiếc pin mình đang có và rèn luyện tính tự chủ tốt hơn. Nó có thể là cách để giúp mình duy trì năng lượng cao trong ngày.

Hành động: Mình sẽ theo dõi thời gian sử dụng điện thoại thay vì hai mục tiêu trước đó. Giảm thời gian sử dụng xuống thêm 50% (còn dưới 1h/ngày).

** Viết bài blog mỗi tuần cho tháng 02 trên Aleneutral (đang thực hiện) **

Ghi nhận kết quả: Có ý thức hơn về việc thực hiện các mục tiêu và nhận diện các bài học trong tuần. Mình cũng hứng thú hơn bởi suy nghĩ sẽ đến một địa điểm khác biệt để hoàn thiện bài viết.

Bài viết này mang lại rất nhiều nguồn cảm hứng cho mình. Mình hy vọng rằng bạn sẽ tìm thấy điều gì đó hay ho trong ở đây. Còn giờ thì, cùng mình bắt đầu nhé.

1. Nhanh nhẹn, linh hoạt, cởi mở, nhiệt tình

Mình được nhận xét là có tính cách quá hiền hoà và trầm tính. Cộng thêm với sự thiếu tiếp xúc xã hội nên có thể coi là khó gần, khó tiếp xúc, thiếu nhạy bén.

Nhanh nhẹn, linh hoạt, cởi mở, nhiệt tình là những tính cách bổ trở hoàn toàn trái ngược với con người mình. Nhưng nếu có một trong số chúng, mình sẽ có thể tiết chế đi nét tính cách có phần tiêu cực như quá khó gần hay thiếu nhạy bén.

Để nuôi dưỡng những nét tính cách đó, mình cần một số hoạt động như:

  • Nhanh nhẹn: Rèn luyện thói quen quyết định nhanh với các vấn đề nhỏ (chọn món ăn, chọn đường đi, lên kế hoạch trong ngày).
  • Linh hoạt: Đặt mình vào những tình huống khác biệt để tập thích nghi (ví dụ: làm việc với người có quan điểm trái ngược).
  • Cởi mở: Chủ động bắt chuyện với người lạ, đồng nghiệp, bạn bè.
  • Nhiệt tình: Tìm hiểu điều gì thực sự khiến mình hứng thú và dành thời gian cho nó.

Mình cảm thấy những hoạt động này có sự hiện diện trong hoạt động mà mình vừa trải nghiệm đó là: Đi du lịch một mình.

Hành động: Đi du lịch 1 mình hoặc với người khác mỗi tuần/lần.

2. Đảm đang

Mình quan tâm tới sức khoẻ nhưng không hề đảm đang. Đảm đang đòi hỏi nhiều thứ như: nấu nướng, làm việc nhà, gọn gàng sạch sẽ, quan tâm chăm sóc những đồ dùng trong gia đình, biết làm hài hoà các mối quan hệ,….

Đây cũng là thứ mà mình bị gia đình góp ý rất nhiều vì mình thờ ơ và ỷ lại.

Để nuôi dưỡng những nét tính cách đó, mình cần một số hoạt động như:

  • Thành thạo các công việc cá nhân và gia đình
  • Biết quan tâm, chăm sóc người khác

Hành động:
– Hoàn thành tất cả công việc hằng ngày của Công việc cá nhân và gia đình, bao gồm:
+ Nấu ăn (3 bữa)
+ Đi chợ
+ Dọn dẹp nhà cửa (quét, lau nhà, lau bàn ghế)
+ Giặt, phơi, cuốn xếp đồ
+ Rửa chén bát, lau bếp
+ Đổ rác, phân loại rác
+ Chăm sóc cún
Đo lường bằng Habitica.

– Dành những điều tốt nhất cho người khác mỗi ngày. Đo lường bằng Habit.

3. Tư duy tập trung vào bản thân

Ngoài những lời nhận xét có tính xây dựng thì cũng sẽ có những lời phán xét không hề hữu dụng. Mình cần học cách bỏ ngoài tai những lời nói đó.

Dưới đây là một đoạn trích mình có đọc được ở đâu đó: “Bạn hãy tự nâng cao giá trị của bản thân bằng cách phát triển kiến thức, kỹ năng, trau dồi đạo đức, theo đuổi đam mê, yêu thương và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Mọi lời phán xét ngoài kia đều không có giá trị khi bạn thấy mình thêm khỏe mạnh, xinh đẹp, giỏi giang, tự tin và thành công hơn mỗi ngày.”

Dưới đây là một số yếu tố được nhắc đến: Khoẻ mạnh, Xinh đẹp, Giỏi giang, Tự tin, Thành công;  

Mình cứ tưởng tượng là, mỗi khi nghe những lời không tốt từ người khác hoặc từ chính mình, mình sẽ xấu thêm một tí, không có thời gian để tập luyện, không có năng lượng để chăm sóc cho người khác, kém tự tin và bước lùi lại một bước so với thành công mình mong muốn. Khi hiểu được những điều đó thì mình sẽ không còn muốn bận tâm bởi những suy nghĩ tiêu cực thêm một chút nào nữa.

Hành động: Duy trì cảm xúc mỗi ngày đạt từ Tốt trở lên đánh giá qua 5 khía cạnh (Khoẻ mạnh, Xinh đẹp, Giỏi giang, Tự tin, Thành công). Đo lường trong Habit.

4. Tư duy chiến lược

Một suy nghĩ nữa cũng đến với mình trong tuần này, đó là tư duy chiến lược.

Tư duy chiến lược là nghĩ về việc hành động ngày hôm nay có ý nghĩa gì sau 1 tháng, 6 tháng, 1 năm nữa.

Nói cách khác, thời gian của mình chính là tiền bạc. Lựa chọn đầu tư cho một hoạt động nào đó đòi hỏi nó phải mang lại kết quả tốt nhất. Đó là chi phí cơ hội.

Để nuôi dưỡng tư duy chiến lược, mình cần trả lời 3 câu hỏi trong tất cả các quyết định:

  • Mục tiêu của quyết định này là gì? (Ngắn hạn và dài hạn)
  • Có bao nhiêu phương án thay thế? (So sánh ưu – nhược điểm của từng phương án)
  • Nếu chọn phương án này, điều gì có thể xảy ra trong 1 tháng, 3 tháng, 1 năm?

Hành động: Không quyết định vội. Kiểm chứng trước khi cam kết lâu dài. Tiếp tục viết vào mỗi tuần để đánh giá mục tiêu sau mỗi tuần thực hiện.

5. Kết

Bài viết này khép lại tại đây. Mình sẽ thực hiện những hành động đã đặt ra trong tuần này và đo lường vào tuần sau. Xét xem điều gì là tiềm năng để tiếp tục và điều gì không khả thi để bỏ đi.

Mình nghĩ rằng tuần mới sẽ có thêm nhiều điều thú vị. Và rất vui vì mình đã có trải nghiệm viết blog vào cuối tuần ở một địa điểm mới như thế này. Đây là một trải nghiệm rất tuyệt vời đối với mình.

Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này.

Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới.

See ya ~~~~

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x