Blog tháng 01: Trải nghiệm thay đổi tư duy

blog-tháng-01-trải-nghiệm-thay-đổi-tư-duy-aleneutral

Chào mọi người,

Chào mọi người đến với Blog tháng 01 của mình,

Tháng 01 này là tháng có nhiều thăng trầm nhất của mình. Mình trải qua những biến chuyển trong cảm xúc, tư duy: từ vô cùng tiêu cực đến trở về tích cực. Khoảng thời gian tiêu cực đó khiến mở ra trong mình những góc nhìn mới. Mình hiểu về bản thân mình nhiều hơn và cũng hiểu về thế giới nhiều hơn.

Bài viết này mình chia ra làm ba phần: sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ xã hội. Đó chính là ba thành tố của một sức khoẻ toàn diện. Mình sẽ phân tích những vấn đề tiêu cực của bản thân và những hành động mình đã làm trong tháng 01 để cải thiện tình hình. Những trải nghiệm đó thực sự tuyệt vời và sẽ là một phần không thể nào quên đối với mình.

Tháng 01 luôn như vậy, luôn mang đến cho mình những trải nghiệm sâu sắc. Để cùng tìm hiểu xem tháng 01 năm 2024 mình đã trải qua những gì và đã lớn lên như thế nào, mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

———–

1. Sức khoẻ thể chất

1.1. Mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần

Những ngày đầu tháng 01 mình có thể trạng rất yếu, ngày 01/01 mình có viết trong nhật ký rằng: “Sống được qua ngày hôm nay thôi mình cũng đủ hạnh phúc lắm rồi”, ngày 02/02 mình đã viết “Mình cảm thấy như thảm hoạ với những suy nghĩ mà mình có.”

Sức khoẻ trở nên kiệt quệ chính là trạng thái nguy hiểm nhất đối với chính mình. Vì khi đó, mình không có khả năng để tự chăm sóc bản thân. Đó cũng chính là lúc mình không có ý chí, không nhận biết được tình hình và không thể làm gì để thay đổi thực tại. Mình cảm tưởng như trong những ngày đó, mình chỉ cần sống qua ngày thôi cũng là đã tốt lắm rồi.

Mặt khác, cơ thể mình thường sẽ không có những phản ứng mạnh như sốt, đau đầu, hay đau bụng,… Nhưng chúng sẽ dễ bị mệt mỏi, uể oải, tê liệt hay kiệt quệ. Những dấu hiệu đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho bản thân mình cần phải chú tâm đến sức khoẻ nhiều hơn. Bởi nếu mình không có đủ sức khoẻ, mình sẽ không thể chăm sóc cho bản thân mình. Và cũng không ai có thể làm thay cho mình điều đó cả.

1.2. Luyện tập thể chất để duy trì sức khoẻ

Từ trải nghiệm đó, mình đã quyết định cần phải tập luyện mỗi ngày (7 ngày liên tục mỗi tuần) để duy trì được một trạng thái sức khoẻ tốt và phòng ngừa rủi ro về bệnh tật. Tuy vậy, trong tuần đầu tiên mình đã không hoàn thành được mục tiêu tập luyện liên tục trong 7 ngày. Mình thiết nghĩ rằng để duy trì một thói quen cần bắt đầu với những bước nhỏ hơn. Chính vì vậy mà mình đã chỉnh sửa mục tiêu thành duy trì việc tập luyện 15 ngày/ tháng.

Mình chia các bài tập ra thành nhiều dạng khác nhau: tập yoga, tập gym, chạy bộ, đánh cầu lông. Chạy bộ thì chia ra chạy bộ dưới nhà, chạy bộ ở công viên, chạy bộ buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối.

Mình cũng có chia ra thành những khung giờ cố định: 6h00 – 7h00, 17h00- 18h00, 19h30 – 20h30 để tập luyện. Tuỳ vào các ngày với lịch trình khác nhau thì mình sẽ chọn khung giờ tập luyện cho phù hợp.

Mình cũng duy trì việc bảo đảm đủ năng lượng để đạt được hiệu quả tốt nhất của bài tập. Ví như nếu 17h00 đi chạy thì mình sẽ ăn sữa chua với hạt hoặc chuối vào lúc 16h00 để cơ thể được nạp năng lượng. Sau đó trì hoãn một chút hoặc làm vài việc linh tinh đến 16h45 đến công viên là vừa đẹp ^^

Lịch trình tập luyện của mình trong tháng 01: Những ngày mình tô màu xanh lá cây là những ngày mình có hoạt động thể chất.
Đây không phải là một mục tiêu lớn hằng ngày nên mình chỉ dừng lại ở mức duy trì nó. Tuy vậy, mình nhận thức được rằng việc luyện tập thể chất là cực kỳ quan trọng. Các yếu tố khác như giấc ngủ, dinh dưỡng và khối lượng công việc cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì chế độ tập luyện này. Mình vẫn đang suy nghĩ và cải tiến những yếu tố đó từng ngày. Thực ra, thể dục thể thao không chỉ tốt cho sức khoẻ còn mang lại cho mình niềm vui. Chúng giúp mình gắn kết với bản thân và với người khác nhiều hơn. Mình sẽ ghi nhớ những chuyển biến tích cực đó và duy trì việc tập luyện thường xuyên hơn.

2. Sức khoẻ tinh thần

2.1. Cảm thấy lo lắng và bất an

Tháng 01 này mình không có công việc cố định. Mặc dù mình không có áp lực về tài chính nhưng mình cảm thấy vô cùng lo lắng và bất an. Mình không thực sự sống trong khoảng thời gian đó. Mình cũng chẳng thể tận hưởng được bất kỳ khoảnh khắc nào trong ngày. Mình thử hỏi điều gì đã khiến mình tự ti và lo lắng đến vậy? Tất cả những gì mình có thể làm trong khoảng thời gian đó là tìm kiếm một công việc mới và suy nghĩ về định hướng trong tương lai.

Nhưng mình đã quên mất một sự thật, rằng chỉ khi nào mình có thể sống trọn vẹn ngày hôm nay thì mình mới có thể thôi lo nghĩ về ngày mai mà thôi. Và ngay cả khi mình không có công việc đi chăng nữa, mình vẫn có thể tiếp tục học và làm những dự án cá nhân để kiến tạo ra tương lai của bản thân. Những dự án này sẽ dẫn lối ra những ý tưởng mới, giúp mình khám phá nên những tiềm năng sâu thẳm của chính mình. Chỉ cần mình chăm chỉ và có một hướng đi đúng đắn, thì mình sẽ có thể tiến từng bước đến cuộc sống mà mình mong ước.

2.2. Luyện tập suy nghĩ để mài dũa tư duy

Trong những ngày tháng bất an đó, mình chỉ có thể thực hiện những công việc mà mình tự tin nhất, đó là đọc và viết. Mình đã hoàn thành các bài đăng mình chưa thực hiện trên kênh review sách @Alestuding_ và cũng đọc thêm hai quyển sách mới là Lỗi nhận thức, First things first.

Sau quá trình đọc và viết trong nhiều ngày, mình nhận ra một điều rằng: Những kiến thức và trải nghiệm mình có thông qua quá trình tư duy không ngừng đã tạo ra một loại tri thức mới – đó là trí tuệ. Mình nhận ra được nhiều kết nối hơn và nhạy bén hơn trong việc nhìn nhận vấn đề. Mình bắt đầu tập trung vào việc đọc nhiều hơn nữa để tạo ra những kết nối mới. Đồng thời viết mỗi ngày để rèn dũa tư duy. Những kết nối cũng khiến mình tò mò hơn về các khía cạnh khác trong việc viết blog như: SEO, Marketing, Digital Marketing, UX/UI, Lập trình web, Thiết kế web… Mình cũng nhận ra rằng mình muốn tìm hiểu sâu về các chuyên ngành này thay vì tạo ra nguồn thu chỉ từ việc viết lách. Mình muốn tư duy của mình trở nên nhạy bén, linh hoạt và cởi mở hơn bằng cách trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác biệt.

Mình cũng nhận ra rằng mình không nhất thiết cần phải có một mục tiêu trước khi bắt đầu. Nhưng mình buộc lòng phải đi giải quyết những băn khoăn mà mình có mỗi ngày. Những cảm xúc khó sẽ đến và ở đó. Chỉ khi nào mình thật lòng nhìn về bản thân mình và dám đối mặt với vấn đề thì mình mới có thể tiến lên phía trước. Dũng cảm sống, dũng cảm đối diện, dũng cảm lớn lên.

Những ý tưởng sẽ tiếp tục xuất hiện khi mình làm. Và khi và chỉ khi làm mình mới đón nhận được chúng. Dưới bất kỳ hình hài nào, sự nhạy bén về tư duy sẽ xuất hiện khi nó được mài dũa thường xuyên. Và cách duy nhất để làm được điều đó chính là luyện tập.

3. Sức khoẻ xã hội

3.1. Không nhận ra được giá trị của bản thân

Mình mắc kẹt với việc đánh giá giá trị của bản thân dựa trên công việc. Rằng nếu không có công việc, mình là một người vô dụng. Điều này vô tình khiến cho những khoảng thời gian thất nghiệp trở nên không thể chấp nhận được. Hoặc nếu một ngày mình mất đi công việc mình đang có, cũng là lúc mình mất hết giá trị. Quan niệm đó thực sự rất sai lầm và nó làm giới hạn tiềm năng của chính mình. Mình không phải là công việc và cũng không bị đánh giá dựa trên công việc mình đang làm. Mình cũng không nhất thiết phải phát triển trong chỉ duy một lĩnh vực nếu đó không phải là những điều mình mong muốn. Không phải ai cũng có một lối đi như nhau để trở nên thành công. Con đường sự nghiệp của mỗi người cũng không phải là một đường thẳng tắp không có điểm dừng. Chính vì vậy nếu không có con đường nào phù hợp thì mình hãy cứ đi, để lối thành đường.

3.2. Luyện tập kỷ luật để nâng cao tự tin

“Nỗ lực không ngừng nghỉ” chính là cách duy nhất để mình nâng cao sự tự tin. Sự tự tin đến từ việc mình nhận thức hoặc tin rằng bản thân mình đang phát triển từng ngày. Và dẫu mình có đi con đường nào đi chăng nữa thì mình vẫn không ngừng lớn lên.

Nỗ lực cũng cần phải thông minh. Nỗ lực cần cả sự cải tiến. Nhưng điều quan trọng nhất trong nỗ lực vẫn là hành động. Mấu chốt của sự phát triển chính là “vận dụng tối ưu tất cả nguồn lực mình hiện có để hành động”.

Có một số những bài học lớn nhất về việc hành động mà mình học được trong tháng 01 là: Đưa ra mục tiêu thì bắt buộc phải thực hiện đến cùng, xây dựng mục tiêu lớn hơn khả năng của bản thân có thể mang đến những phần thưởng nhỏ, và dành thời gian lập kế hoạch hành động có thể rút ngắn quá trình làm việc đến 80%.

Sự bền bỉ để ngẫm nghĩ về chiến lược đúng đắn + sự dũng cảm dám đối mặt với thực tiễn để tiến lên phía trước => hình thành nên những sự thay đổi rõ nét về Chất.

Hay nói cách khác: “Smart work + Hark work Pays off”

4. Lời kết

Cuối cùng, mình muốn chia sẻ rằng mình rất vui với những trải nghiệm mình có trong tháng 01. Việc không có một công việc cố định thực sự rất đáng sợ. Nhưng mình đã dần nhận ra được những lợi ích mà việc thất nghiệp có thể mang tới như: Thời gian, sự tự do, sự thoải mái,…. Đồng thời, mình cũng có thể hiểu sâu hơn về bản thân và sử dụng một ngày 24h của mình một cách hiệu quả hơn.

Một điều rất quan trọng khác mà mình chưa đề cập đó là tầm quan trọng của tình yêu trong những yếu tố này. Tình yêu xuất hiện khi trong lòng mình có một ai đó để ao ước. Thậm chí, ngay cả khi họ không thuộc về mình thì tình yêu vẫn là một cảm xúc rất mạnh mẽ. Tình yêu có thể khiến con người ta kiệt quệ hoặc là động lực để họ tiến lên phía trước. Mình đã dùng sự ưu tú của người mình thích làm động lực để tiến lên phía trước.

Mình quyết định đề cập đến tình yêu ở phần cuối này như một lời tri ân cho những cảm xúc mà mình đã trải qua. Chúng đã mang đến cho mình những trải nghiệm khó có thể nào quên.

Cảm ơn bạn đã đến đọc bài viết tháng 01 của mình,

Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới. SEE ya~~~

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x