Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Tháng 5 ít mưa, đặc biệt ở Sài Gòn, những cơn mưa không quá trĩu hạt khiến mình dễ dàng di chuyển hơn trong Thành phố. Mình chọn di chuyển bằng xe buýt để thuận lợi hơn khi xuống các điểm đến (tiết kiệm tiền và đỡ bị lạc ^^).

Thời tiết này khiến con người ta dễ vùi mình vào trong chăn và ngủ. Nhưng mình không phải tuýp người thích ngủ, đặc biệt ở độ tuổi này, có sức khỏe để được đi chính là món tài sản vô giá nhất mà mình có.

—————-

1. Về vị trí

Bảo tàng tọa lạc trên đường Lý Tự Trọng, mất 15k cho học sinh sinh viên vào tham quan, và 40k cho người lớn. Theo như mình có tham khảo thì những người đi chụp ảnh hoặc có đem máy ảnh chuyên nghiệp sẽ bị thu phí mắc hơn.

Bảo tàng nằm ở ngã ba giao nhau giữa hai con đường Lý Tự Trọng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trong bán kính 1km, có Thư viện khoa học tổng hợp và Tòa án nhân dân Thành Phố.

Mình không cần phải mua trước vé hay đặt chỗ, chỉ cần tới mua vé trước cổng. Mình đến vào ngày Chủ nhật nên có khá nhiều khách tham quan.

Dưới đây là một bản đồ mà mình lưu lại, có một số những lưu ý mà mình học được như: Đường Lý Tự Trọng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa là đường một chiều. Các trạm xe buýt sẽ khác nhau ở điểm đi và điểm về. Đi xe buýt sẽ tiện lợi hơn vì không phải tìm chỗ gửi xe, và không phải chật vật khi bị lạc đường (đặc biệt đối với các tuyến đường một chiều).

Có thể bắt xe buýt có trạm Lý Tự Trọng và bắt chuyến xe về lại quận 1 ở trạm Toà án Nhân dân Thành phố

2. Về lịch sử

Khi đi vào tòa nhà, sẽ có một khu vực phát chiếu về lịch sử của Bảo tàng. Mình dừng lại một chút để nghe hết.

Điều khiến mình thắc mắc đầu tiên chính là đây là một kiến trúc của người Pháp, họ xây dựng một tòa nhà có tính trường tồn và là một dinh thự hiếm hoi đầu tiên được xây dựng tại Đông Dương, tại sao họ lại xây dựng một Bảo tàng cho người Việt?

Thực ra, Bảo tàng này ngay từ đầu không được dùng với mục đích trưng bày hiện vật. Bảo tàng được xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành vào năm 1890. Trong suốt quá trình từ năm 1890 đến năm 1975 khi Việt Nam giải phóng, tòa nhà được sử dụng với những mục đích khác nhau: Từ là dinh thự cho người Pháp đến chỗ trú ngụ cho chính quyền Ngô Đình Diệm, rồi được tu sửa thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên con đường này đã từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ vào những năm 1950. Đặc biệt, mình có ghi nhớ về chi tiết Trần Văn Ơn đã hy sinh vào ngày 9-1-1950 khi tham gia một cuộc biểu tình. Và sự ra đi của anh đã mang tới một làn sóng biểu tình rộng khắp ở thời điểm đó.

3. Về kiến trúc

Tòa nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp, từ ngoài vào trong đều được thiết kế theo phong cách Tây Âu những thập niên 90. Ở mọi căn phòng mà mình vào, từ đèn đến cách bài trí đều toát lên những vẻ đẹp riêng.

4. Về bài học

Mình không có nhiều những bài học, mình cũng có khá ít mối liên kết để có thể viết về những gì mình nhìn thấy trong Bảo tàng. Những chặng đường lịch sử, những dấu ấn nghệ thuật, những truyền thống văn hóa của dân tộc,… Duy chỉ có một vài trong số chúng được nhắc đến trong bài viết, mình vẫn cảm thấy có rất nhiều thứ cần được ghi nhớ. Trên đây là hai hình ảnh mình nhìn thấy có liên quan đến những gì mình đã từng được học, được đọc.

Bếp Hoàng Cầm trong “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính” – Phạm Tiến Duật và những chiếc áo trấn thủ của đồng đội trong “Tuổi thơ dữ dội” – Phùng Quán.

Dưới đây là một đoạn trích rất cảm động mình ghi lại được trong cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” – Phùng Quán:

“Lau nước mắt đi em. Em giữ lấy cái áo trấn thủ của anh mà mặc, đừng chôn nó theo anh phí đi. Ra trận nhìn cái áo của anh thì nhớ trả thù cho anh” – Anh chính trị viên hy sinh để lại chiếc áo cho Vịnh.

Chỉ cần nhìn cách Vịnh-sưa nhìn chiếc áo trấn thủ là biết nó thương nhớ anh đến nhường nào. Trước khi đi ngủ bao giờ nó cũng cởi áo ra gấp vuốt thật thẳng nếp, gối lên đầu. Đi tập về nếu có một vết bùn nhỏ dây vào là nó phải lấy nước gội cho kỳ sạch…

“Anh có đem tất cả len dạ của Thành phố Huế mình mà đổi lấy cái áo trấn thủ ni, em cũng không đổi mô anh ạ”.

———————————-

Trong thời kỳ chiến tranh, những nghĩa cử cao đẹp, những niềm tin và lòng hy sinh quả cảm đâu có phải không lý giải được. Nhìn một người mà bạn yêu thương thật nhiều, người đã từng là anh em, bạn bè, là gia đình, là cả thế giới với bạn ra đi. Vậy thì thế giới với bạn là gì nữa, chỉ có thể là những giá trị vô hình được đong đếm bằng trái tim.

Là một mai em hy sinh cho độc lập dân tộc, em trả thù được cho anh. Là đến một ngày em có thể mang đến cho anh những thứ đáng ra anh phải có. Những thứ đáng ra dân tộc mình phải có, những quyền con người rất đỗi tự nhiên đó, có phải không anh?

-Aleneutral-

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
1
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x