Sang chấn tâm lý – Hồi kết

Sang chấn tâm lý – Hồi kết

1. Giới thiệu phần trước

Trong phần trước, chúng ta đã đi qua cơ sở khoa học, cấu trúc não bộ và những tác nhân kích thích tác động lên cơ thể người hậu sang chấn. Những bệnh nhân bị sang chấn tâm lý dẫu hoàn toàn nhận thức được những gì đang diễn ra nhưng luôn bị mắc kẹt trong chính những suy nghĩ cố gắng cải thiện hiện thực.

Vậy điều gì ẩn sâu trong tiềm thức đã ngăn cản họ thực hiện những nỗ lực thay đổi đó? Và rằng những cú sốc to lớn do sang chấn đã làm ảnh hưởng tới việc kết nối của những bệnh nhân với chính họ và với thế giới như thế nào? Ở phần này, mình sẽ tổng hợp lại lý do cũng như những cách thức mà cuốn sách “Sang chấn tâm lý” đã đề cập trong việc điều trị những thương tổn cho bệnh nhân hậu sang chấn. Bạn có thể đọc lại bài viết trước tại đây.


2. Mở đầu

Ta biết phần lớn các nối kết của hoạt động thần kinh của chúng ta đều dành cho việc trở nên đồng điệu với người khác. Con người bản chất là một sinh vật xã hội, với bộ não phát triển để giúp cho việc làm việc và vui đùa. Nhưng sang chấn lại ngăn chặn bộ não thực hiện nhiệm vụ cơ bản của mình. Những “ký ức bị kìm nén” phá tan hệ thống tương trợ xã hội, chúng can thiệp vào sự hợp tác và ngừng nuôi dưỡng khả năng hoạt động của con người như một sinh vật có ích cho xã hội.

Theo Diana Fosha[1], nguồn gốc của sự kiên cường… chính là cảm giác được thấu hiểu và được hiện hữu trong khối óc lẫn trái tim tràn đầy tình yêu thương, đồng điệu và tự chủ. Con người cần có sự nhận thức và thấu hiểu về bản thân để làm những gì họ muốn, đồng thời phân biệt được điều gì là “thật” trong cơ thể họ để phát triển bản ngã riêng biệt. Điều này là cơ sở cho quá trình điều trị bệnh nhân PTSD: Họ cần có sự tin tưởng và cảm thấy an toàn trong trái tim và tâm trí của những người thực sự quan tâm và yêu thương họ.

Nhưng đây cũng là một trở ngại lớn, vì ký ức sang chấn sẽ lặp lại như một vòng tròn không lối thoát ngăn bệnh nhân tìm được con đường riêng cho chính mình.

Tuy nhiên, không vì vậy mà các nhà khoa học ngưng nỗ lực để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho các bệnh nhân bị sang chấn. Đã có hàng ngàn phương pháp và cách thức chữa trị giúp bệnh nhân sớm hồi phục và quay trở về cuộc sống thường ngày của họ. Tại đây mình sẽ chỉ đề cập tới hai phương thức nổi bật nhất mà mình đọc được từ cuốn sách này: cách thứ nhất – giúp các bệnh nhân tự đối mặt với câu chuyện của chính mình, hoặc cách thứ hai – giúp cho cơ chế phòng vệ trở về trạng thái như chưa từng bị thương tổn.

3. Phương pháp EMDR

Đầu tiên, EMDR – là một phương pháp chữa lành các tình trạng căng thẳng sau chấn thương (tâm thần) (ESPT)  đã được phát hiện bởi nhà khoa học Francine Shapiro[2] giúp cho các bệnh nhân có thể nói lên câu chuyện của chính mình mà không cần quá nhiều sự tin tưởng đối với bác sĩ trị liệu.

Bằng một cách tình cờ, trong một cuộc đi dạo vào tháng 5 / 1987, Shapiro đã phát hiện ra rằng, “những suy nghĩ tiêu cực đơn giản có tính ám ảnh” biến mất khi cô làm cho đôi mắt của cô di chuyển tới lui thật nhanh từ trái sang phải. Cô đã phát triển phương pháp này và áp dụng cho rất nhiều tình trạng căng thẳng sau chấn thương (tâm thần) (ESPT). Cô đã nhận được giải thưởng Sigmund Freud vào năm 2002, giải thưởng cao nhất về tâm lý trị liệu.

EMDR là một phương pháp để tái tạo sự kiện PTSD gây sang chấn thông qua việc di chuyển ngón tay qua lại trước mắt bệnh nhân. EMDR có khả năng hiển thị một loạt cảm giác, cảm xúc và hình ảnh, tư duy không liên quan tới bộ nhớ đầu. Bệnh nhân không nhất thiết phải thực hiện bằng lời nói những suy nghĩ của mình, không cần quá nhiều sự an toàn. Phương pháp này giúp bệnh nhân trải nghiệm sang chấn qua một góc nhìn mới.

EMDR có liên quan đến giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (Rapid eye moment – REM), nghiên cứu cho thấy chuyển động mắt trong trạng thái này có nhiều điểm tương đồng với phương pháp EMDR. Trong trạng thái REM, bộ não sẽ hoạt động làm tăng dấu ấn của những thông tin gắn liền với cảm xúc và làm phai nhạt những thông tin không liên quan.

Phát triển khả năng tưởng tượng cũng là một biện pháp giúp bệnh nhân hồi tưởng và thay đổi lại ký ức của mình. Người bị PTSD có thể chọn cách quay lại thước phim hồi ức của mình trong trí tưởng tượng và thay đổi cách phản ứng của họ. Điều này giúp những sang chấn trở thành ký ức có thể kiểm soát, và phần nào giải thoát họ khỏi “những ký ức kìm nén” khi bản thân trực tiếp đối diện với nó.

Nhận thức được cách thức cơ thể của mình sắp xếp những cảm xúc và ký ức cụ thể giúp mở ra khả năng giải phóng những cảm xúc và sự thôi thúc trong vô thức mà họ từng kìm lại để tồn tại.

4. Phương pháp thay đổi cơ chế phòng vệ

Nhưng biết về những vấn đề của mình là không đủ để bệnh nhân PTSD có thể hạnh phúc và tin tưởng vào người khác. Để có thể tắt đi cơ chế phòng vệ mà bản thân đã xây dựng để sống sót sau sang chấn, bệnh nhân phải học cách thay đổi thói quen vận hành trong chính bộ não họ. Hay nói cách khác là dạy lại cơ thể cách đối phó với những tình huống riêng biệt, tạm biệt cơ chế phòng vệ để tạo cơ hội cho bản thân khám phá và học hỏi từ trải nghiệm mới.

Có hai cách để thay đổi hệ thống mối đe dọa: Cách tiếp cận từ trên xuống dưới (từ vùng giữa của vỏ não trán trước) giúp kích hoạt sự tương trợ xã hội và từ dưới lên trên (từ vùng thân não) giúp làm dịu các căng thẳng về thể chất của cơ thể.

Lý giải cho hoạt động này, theo các nghiên cứu đương thời, các nhà khoa học nhận ra rằng: “Bài học rõ ràng nhất của khoa học thần kinh đương đại là cảm giác của chúng ta về bản thân được neo giữ trong sự kết nối với cơ thể mình”. Do đó, để tái kết nối với cơ thể, chúng ta sẽ phải thực hiện tác động lên hệ thống điều hành trực tiếp các chức năng này.

Ta có thể tiếp cận vỏ não trán trước (nơi vận hành các hoạt động ý thức) nối liền với hạch hạnh nhân (phân khu phát sinh nỗi sợ) bằng cách theo dõi và thấu hiểu cảm giác của cơ thể mình qua các phương pháp thiền chánh niệm (mindfullness) và yoga.

Hoặc có thể tác động lên thân não[i] (là trung gian tiếp nhận các kích thích của cơ thể và hoạt động xử lý của não bộ) bằng các hoạt động kiểm soát hơi thở, chuyển động hoặc xúc chạm.

Những trải nghiệm qua âm hưởng hay giao tiếp thông qua ngôn ngữ không lời như các biểu hiện trên khuôn mặt, cử động của cơ thể, bằng âm thanh của tình yêu và nỗi buồn (khóc, nhảy hay bắt chước) đều có tác dụng trong việc trị liệu.

“Bệnh nhân có thể rất khao khát được ai đó chạm vào như người đang khát nước thèm một ly nước vậy. Những cái chạm tự tin, sâu sắc, nhẹ nhàng, tận tình sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy được an ủi, giúp họ khám phá những căng thẳng mà họ giữ lâu tới mức không còn nhận thức được nữa. Khi chạm vào tức là đang đánh thức phần cơ thể tổn thương đó.”

Điều quan trọng là bệnh nhân cần cảm thấy ẩn sâu trong mình một cảm giác đồng điệu, hòa hợp với xã hội hay gắn kết với tâm trí và cơ thể họ. Đó là cách tiếp cận duy nhất để biết, thấu hiểu và từ đó thay đổi những dấu ấn của sang chấn đang thực sự diễn ra bên trong họ.

4. Hồi kết

 Cuối cùng, con người vẫn là những sinh vật xã hội và cốt lõi của việc phục hồi chính là phục hồi những kết nối bản năng và tự nhiên nhất của tâm trí và cơ thể – “phục hồi những mối quan hệ cộng đồng.”

Chúng ta, ai cùng cần có can đảm để tìm kiếm hạnh phúc: Can đảm đối mặt với những nỗi đau trong quá khứ để thấu hiểu và chữa lành, can đảm để nói lời cảm ơn và tạm biệt với một phần trong chúng ta đã được sinh ra để giúp tâm trí và cơ thể sống sót sau những trải nghiệm kinh hoàng trong quá khứ .

“It seems that when you have cancer you are a brave battler against the disease, but when you have Alzheimer’s you are an old fart. That’s how people see you. It makes you feel quite alone.”

 (Dường như khi bạn là một bệnh nhân ung thư, bạn là một chiến binh dũng cảm chiến đấu chống lại bệnh tất. Nhưng khi bạn bị Alzheimer, bạn chỉ là một kẻ già nua. Đó là cách thế giới nhìn bạn, và điều đó khiến bạn cảm thấy mình thật đơn độc.) – Terry Pratchett[3]

But after all, no matter whoever you are:

“The future doesn’t belong to the fainthearted; it belongs to the brave.”

(Nhưng sau tất cả, dù bạn là ai đi nữa, thể giới không thuộc về những kẻ yếu hèn, nó thuộc về những con người dũng đảm) – Ronald Reagan[4]

To be continued…

-Aleneutral-


[1] Diana Fosha là một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Romania, nổi tiếng với việc phát triển liệu pháp tâm lý accelerated experiential dynamic (AEDP). Công việc của bà làm về liệu pháp tâm lý cho người lớn bị ảnh hưởng của chấn thương và lạm dụng gắn bó thời thơ ấu.

[2] Francine Shapiro, tác giả của cuốn sách “Đôi mắt để chữa lành” vừa được xuất bản tại Pháp.

[3] Terry Pratchett là một tác gia tiểu thuyết tiếng giả tưởng người Anh, đặc biệt là tác phẩm hài hước. Ông nổi tiếng với loạt truyện Discworld viễn tưởng dài 40 tập. Cuối đời, khi đang vật lộn với căn bệnh teo võ não, ông đã hợp tác với đài BBC để quay hai bộ phim tài liệu Terry Pratchett: Living with Alzheimer’s và Terry Pratchett: Chosing to Die thu hút hàng triệu lượt xem và giành chiến thắng nhiều giải thưởng ở hạng mục phim tài liệu.

[4] Ronald Wilson Reagan là tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ (1981–1989). Trước đó, ông là Thống đốc thứ 33 của bang California (1967–1975), từ nghệ sĩ trở thành chính trị gia.


[i] Thân não là phần phía sau của não, nối liền vào và về mặt cấu trúc thì tiếp nối với tủy sống. Thân não cung cấp sự phân bổ thần kinh vận động và cảm giác chính tới mặt và cổ thông qua các dây thần kinh sọ. Trong số mười hai cặp dây thần kinh sọ, mười cặp đến từ thân não. Thân não là một phần cực kỳ quan trọng của não vì những mối nối thần kinh của hệ thống giác quan và vận động từ các phần chính của não đi tới phần còn lại của cơ thể phải đi qua thân não.

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x