Chào mọi người!
Chào mọi người đến với blog tháng 12 của mình,
Trong tháng 12 vừa qua, có một số điều làm mình quan tâm nhất: năng lực, điểm mạnh, điểm yếu, định hướng.
Mình đã điểm lại chúng qua một số mục về học tập, làm việc, trải nghiệm và bài học. Trong đó có đề cập về một số khoá học và video có thể sẽ giúp ích cho bạn trong việc định hướng hoặc thiết lập mục tiêu.
Mình hy vọng rằng bạn có thể tìm thấy điều gì đó hay ho ở đây.
Còn giờ thì, cùng mình bắt đầu nhé!
1. Sách và các khoá học
Tháng này mình không đọc nhiều, vì ở quê thì không có nhà sách để đến đọc.
Mình chỉ mua sách về đọc thôi, và phần lớn thời gian dành cho việc học các khoá học. Trong quá trình đó, mình có quan sát được một số sự khác biệt giữa việc đọc sách với học các khoá học như dưới đây, bạn có thể đọc qua để có thêm góc nhìn mới:


- Các khoá học sẽ có lộ trình rõ ràng hơn và hỗ trợ giải quyết những vấn đề về chuyên môn nhiều hơn (VD: Vấn đề của mình là tuỳ chỉnh các thành phần nâng cao trong WordPress. Trước đó, mình đã nghĩ cần phải học rất nhiều kiến thức riêng biệt như HTML, CSS, hay Javascript để giải quyết vấn đề này. Nhưng khi mình tìm thấy khoá học WordPress Intermidate Skills – The next step, mình cảm thấy như tìm được chân ái giúp mình giải quyết những trường hợp cần tuỳ chỉnh nâng cao trong WordPress. Chắc chắn về lâu dài với các trường hợp phức tạp hơn chắc chắn sẽ đòi hỏi kiến thức lập trình. Nhưng thật tuyệt khi có một khoá học giúp gói gọn kiến thức để giải quyết vấn đề một cách trực diện như vậy.
- Những quyển sách sẽ tập trung vào sự phát triển dài hạn hơn là ngắn hạn (VD: Khi bắt đầu tiếp cận với Thiết kế web mình nghĩ rằng nền tảng căn bản nhất chính là tư duy. Mình quan niệm rằng cần đọc rất nhiều sách thì mình sẽ hình thành được những tư duy nhất định về việc thiết kế như thế nào là đẹp và thân thiện với người dùng. Mình có đọc cuốn sách “Don’t make me think” – Steve Krug. Một cuốn sách kinh điển viết về cách suy nghĩ trong UX/UI, rất dễ hiểu và dễ đọc. Tuy nhiên, mình mất kha khá thời gian để hoàn thiện nó. Và dường như cũng không định hình được một kỹ năng nào cụ thể giúp mình giải quyết vấn đề. Khi tiến đến các dự án, thứ mình cần lại là một cái gì đó ngắn hạn và trực diện hơn. Điều này đòi hỏi những đúc kết về hệ thống và kỹ năng. Và những khoá học có thể làm rất tốt điều này. Tất nhiên cũng sẽ có rất nhiều khoá học thiên về tư duy và không thể phủ nhận rằng tư duy rất quan trọng. Nhưng quá trình đọc, ngẫm và để kiến thức ngấm từ từ là một quá trình rất lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì. Nếu muốn đi đường dài, chắc chắn phải cần nâng cao tư duy. Nhưng với ngắn hạn, nâng cao kiến thức và kỹ năng bằng các khoá học có thể là sự lựa chọn hay hơn.
Chia sẻ cá nhân: Mình là một người có thể tiếp nhận các thông tin trừu tượng một cách khá hiệu quả. Nên mình thích việc có thể học những điều mới thông qua sách hay các khoá học. Tuy nhiên, có nhiều lúc mình sẽ bị quá đắm mình vào việc học và nghĩ rằng mình cần phải học rất nhiều để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Để chia nhỏ và quản lý các khoá học hiệu quả, mình có sử dụng công cụ quản lý Asana. Với phiên bản miễn phí, mình thấy vẫn có những tính năng cần thiết (đổi màn hình giao diện quản lý bằng danh sách, bảng hay timeline, rất tiện trong việc theo dõi). Và đặc biệt còn có thể tích hợp với các ứng dụng khác. Ví dụ, bạn có thể sử dụng Everhour tích hợp với Asana để quản lý thời gian hoặc ngân sách cho dự án của mình (vì mình sử dụng Focus To-do rồi nên không tích hợp nữa). Nhưng mình thấy giao diện Everhour cũng rất trực quan và dễ sử dụng, bạn có thể thêm vào Chrome extension để bấm giờ cho mỗi nhiệm vụ của mình.

2. Quản lý thời gian và quản lý hiệu quả



Một ý tưởng mới về việc quản lý thời gian và hiệu quả mà mình mới chiêm nghiệm được. Đó là mình không biết đọc các chỉ số đo lường. Mình CÓ ĐO LƯỜNG, nhưng KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ SO SÁNH. Mình có thể tập trung rất nhiều giờ trong ngày, nhưng không ra kết quả, thì đó là một ngày không hiệu quả.
Hoặc mình có thể tập trung vào nhiều khía cạnh khác nhau nhưng đảm bảo năng lượng cho một ngày thì so với những ngày chỉ tập trung vào một việc nhưng không đủ năng lượng; thì đâu mới là ngày hiệu quả? Mình vẫn chưa trả lời được câu hỏi đó.
Trong quá trình làm việc mình vẫn đau đáu vấn đề này nên mình đã học khoá Project Management Fundamentals – Chris Croft. Đây là một khoá học rất hay, và nó cho mình biết rằng việc đưa ra timeline cụ thể có thể giúp cho mình quản lý mọi thứ trong kiểm soát như thế nào. Rằng việc quản lý phải xét đến ba khía cạnh “thời gian, chi phí, chất lượng”. Và mình cần cân đối giữa ba thành tố này để đảm bảo mọi thứ được hoàn thành. Đồng thời, đo lường thời gian của bản thân như một loại chi phí để xét tính rằng điều gì đáng làm và điều gì sẽ tốt hơn nếu giao cho người khác.
Mình cũng có học trong khoá học này rằng mình cần phải lên kế hoạch cho cả những ngày lễ, những ngày mình không có nguồn lực nào, và cả những ngày mình quá bận rộn. Xét xem liệu mình có thể gành gống được khối lượng công việc đó hay không. Hoặc hiểu về bản thân mình đủ rõ để hiểu rằng sau một khoảng thời gian làm việc liên tục, mình sẽ cần phải nghỉ ngơi. Và nó cũng là một phần trong kế hoạch.
3. Khả năng giải quyết vấn đề: Chat GPT và tui

Trong những tháng ngày vừa qua, có một trợ thủ đắc lực mà mình phải kể đến: đó là chat gpt. Hầu như phần lớn các vấn đề mình đều sẽ nhờ đến sự trợ giúp của AI. Trong đa số các trường hợp, Chat GPT mang đến câu trả lời rất xác đáng. Nhưng chúng quá rộng để mình có thể khoanh vùng và xác định chính xác vấn đề.
Tui: ở đây chính là các kiến thức mà mình đã gom góp được trong một vài ngày tháng qua. Và đưa nó vào trong những bối cảnh cụ thể để giải quyết vấn đề. Điển hình như sau khi học về thiết kế, về quản lý dự án, về một số kiến thức lập trình cơ bản; mình bắt đầu hình dung được vấn đề mình cần phải giải quyết là gì trong một bức tranh lớn.
Tuy vậy, AI đã tạo ra các công cụ rất tối ưu tất yếu giúp gia tăng năng suất của con người. Mình cần sẵn sàng tinh thần để luôn cập nhật những xu hướng mới nhất. Mình có tìm thấy một khoá học hướng dẫn sử dụng các công cụ AI: 25+ Generative AI Tools to 10x Business, Productivity, Creativity | Prompt Engineering, ChatGPT, Custom GPTs, Midjourney. Bạn có thể xem qua để tìm hiểu thêm.
4. Sức khoẻ: Làm sao để bớt tà tà


Thêm một phần nữa tháng này mình hơi không tập trung về sức khoẻ. Mặc dù mình có chạy bộ mỗi ngày, và đạp xe nữa. Nhưng mình mắc phải một vấn đề là chẳng thể khiến cho mọi thứ bứt phá được. Mình cứ tà tà, và dường như không có một hướng đi đúng đắn hoặc không đủ động lực để bứt phá.
Mỗi ngày mình dường như đều dành một khoảng thời gian để tập luyện, nhưng mình không tập trung và hiệu quả cũng không cao. Mình nghĩ rằng vấn đề bắt nguồn từ việc mình không có một mục tiêu bứt phá về sức khoẻ.
Mình tìm kiếm câu trả lời trong khoá học Success: How to Set and Achieve Goals của Joseph Phillips. Khoá học hướng dẫn mình cách xác định những mục tiêu và từng bước để đạt được cũng như quản lý mục tiêu. Mình nghĩ rằng chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho mọi người trong việc thiết lập những mục tiêu cho năm mới 2025 sắp tới. Mình cũng sẽ tập trung phân tách kỹ hơn tại sao mình lại cần bứt phá trong sức khoẻ và mình có thể làm được điều đó như thế nào.
5. Làm quà – hiểu để chấp nhận


Trong tháng 12 vừa qua mình cũng có một trải nghiệm đáng nhớ về việc làm và gửi quà cho mọi người.
Điều này cho mình một suy nghĩ về việc: Thời gian qua mình đã làm gì?
Mình buồn vì không thực sự tìm được một công việc phù hợp, luôn luôn hoài nghi về năng lực của chính mình, thì đây chính là câu trả lời.
Thời điểm năm 2019-2022, mình đi tìm lại bản thân. Mình không hề vui, không thể kết nối, và điều duy nhất mình có thể làm học lại cách để kết nối với thế giới và kết nối với chính mình.
Thời điểm 2022-2023, mình tìm nhiều cơ hội nhất để được trải nghiệm. Được thử những điều mới mẻ, kết nối những con người mới.
Thời điểm 2023-2024, mình đã đọc rất nhiều, đã làm những công việc khác nhau.
Thứ duy nhất khiến mình hoài nghi về năng lực chính là mình chưa thực sự chú tâm vào duy nhất một lĩnh vực để giỏi thực sự. Mình chỉ trải nghiệm nhiều thứ nhưng chưa có sự gắn kết sâu sắc để có thể khai mở tiềm năng của bản thân ở lĩnh vực đó. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mình không có giá trị. Mình đã làm rất nhiều thứ có ý nghĩa cho bản thân và cho người khác.
Trải nghiệm đó cũng mở ra cho mình: suy nghĩ về sự tự tin và nhận thức đúng đắn về những điểm mạnh yếu của bản thân.
6. Hiểu mình để tự tin
Trong tháng 12 này, lựa chọn một con đường mới, may mắn có và những chướng ngại cũng có.
Những chướng ngại giúp mình nhận thức rõ nét được việc rằng sự kiên định của bản thân có ý nghĩa quan trọng đến nhường nào. Một, là để mình đi tốt con đường mình đã chọn. Hai, là để nhận định rõ ràng về những quan trọng và những điều không đáng để bận tâm. Ba, là để bảo vệ bản thân khỏi những chướng ngại.
Trong video “Người thầy” quan trọng nhất là chính bản thân, TS. Bùi Trân Phượng có chia sẻ: Ở độ tuổi mới ra trường, các bạn không cần phải làm điều gì lớn lao, nhưng cần hiểu rõ về những điều mình làm được dễ dàng, những điều mình làm chậm và kém hơn người khác. Cũng như thấu hiểu rõ nét về nơi mà mình muốn tới, những thách thức cơ hội để có sự chuẩn bị kỹ càng. Càng biết mình, hiểu mình, càng dễ làm chủ và tạo dựng được cuộc sống cho chính mình.
Điều này càng giúp mình thêm vững tin hơn về lựa chọn hiện tại. Về cách bỏ ngoài tai những điều làm lung lay niềm tin của mình. Và đồng thời học cách chấp nhận: được mất, thiệt hơn. Kiên định về sự chọn lựa của mình.
7. Nhưng tất cả sẽ đều trở nên vô nghĩa nếu …
Nếu mình không “dốc toàn lực”.
Một ngày đẹp trời, phải chăng là 25-12, ông già Noel đã đến tặng cho mình một món quà. Món quà về sự chú tâm.
Nói về sự chú tâm: Đôi lúc mình cảm giác như mình đang bay, mình không hiện diện ở hiện tại. Có khi mình lựa chọn chia đôi sự chú ý cho hai lĩnh vực khác biệt nhau và mình cảm thấy không có việc nào mình làm là hiệu quả cả.
Vì vậy nên ông già Noel đến nhắc mình nhớ rằng:
“Hãy dành thời gian của con cho những điều thực sự quan trọng. Hãy dành tất cả sự chú tâm, tình yêu và linh hồn của con vào đó. Hãy chấp nhận những được mất, thiệt hơn. Hãy biết trân trọng hiện tại bằng tất cả những gì mà con có.”
6 ngày, chỉ chừng đó thời gian để thấu tỏ. Cuộc đời mà, đâu phải lúc nào ngày mai cũng sẽ đến. Mình và bạn còn sức khoẻ, còn sức trẻ, không có điều gì là không làm được cả.
Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này.
Tạm biệt 2024, xin chào 2025.
Hẹn gặp lại trong những bài viết của năm mới. See ya ~~~