Chào mọi người,
Chào mọi người đến với blog tháng 09,
Trong tháng này, mình lại trải qua những vấn đề mà trước nay mình hay gặp phải. Sau một khoảng thời gian không chú trọng sức khoẻ, mình nhận ra rằng thể trạng mình đang có không thể đáp ứng yêu cầu công việc và những kỳ vọng mình tự đặt ra. Mình bị đuối sức và phải mất một khoảng thời gian để phục hồi.
Vấn đề này xảy ra thường xuyên với mình. Dường như sức khoẻ: trong đó bao gồm sức khoẻ thể chất, tinh thần và sức khoẻ xã hội là những thứ vô cùng quan trọng với mình.
Khi không có Sức khoẻ, chẳng có một ý tưởng nào xuất hiện trong đầu mình. Chẳng có một hành động nào được thực hiện. Và cũng chẳng có một kỳ vọng nào được đáp ứng.
Trong bài viết này, mình muốn nói về những điều mình đã tìm hiểu được khi trải qua thể trạng không mong muốn trong những ngày cuối tháng 09. Và trong bài viết tháng 10, mình sẽ chia sẻ về cách mà mình đã dọn dẹp cho tâm trí để dành thời gian và năng lượng cho những điều thực sự quan trọng. Hy vọng bạn có thể tìm thấy một điều gì đó hay ho trong bài viết này. Còn giờ thì, cùng mình bắt đầu nhé.
1. Lạc – lý do

Mình có những ý tưởng về những điều mà mình có thể làm. Nhưng khi mình bị kẹt lại bởi những vấn đề khiến mình không thể thực hiện được chúng, mình cảm thấy rất vụn vỡ. Mình tưởng chừng như tất cả mọi thứ chựng lại và điều này sẽ tiếp diễn mãi mãi. Mình không thể nhìn thấy giải pháp cho vấn đề mình đang có và mình vẫn sẽ dậm chân tại chỗ mãi.
[Không hành động] Mình cảm thấy lý do có thể đến từ việc mình không hành động. Hoặc không đủ khả năng để hành động. Để lại đi lạc giữa những điều làng nhàng không đúng cũng chẳng sai nhưng chẳng thể mang đến một điều gì hữu hình, vì mình chưa định ra một cái kết cho nó.
[Không tập trung] Đồng thời mình cũng nhận ra là tâm trí của mình có quá nhiều sự choáng chỗ và xao nhãng. Mình không thực sự tập trung vào những suy nghĩ của bản thân mà thay vào đó là những điều “nên làm”, “phải làm”, “cảm xúc”, “mạng xã hội”, “youtube”, “những video vô tình lướt qua”, “tin tức của một người nổi tiếng nào đó”,… Có rất nhiều thông tin trong ngày đến và choáng lấy tâm trí mình. Khiến mình không tập trung vào vấn đề hiện tại của bản thân.
[Không tin tưởng] Mình cũng cảm tưởng như cảm giác này là mãi mãi. Mình sẽ luôn như vậy và chẳng có gì tiến triển thêm. Thể trạng của mình vẫn sẽ luôn như vậy. Mình không thể làm được nhiều thứ hơn hiện tại. Mình sẽ luôn là một người mơ mộng, bay bay và không chú tâm vào thực tế.
2. Tin tưởng – tập trung – hành động
Nhưng sự thực không phải vậy.
[Hành động] Mình chỉ có thể chuẩn bị cho bản thân: về sức khoẻ, về kiến thức, về những kỹ năng. Còn việc biết trước tương lai hay sắp đặt được tương lai là điều không thể xảy ra. Mình chỉ có thể thử, sai và rồi điều chỉnh từng ngày những việc mình đang làm để có thể tiến tới được trạng thái mà mình mong muốn.
[Tin tưởng] Và vấn đề cũng không tồn tại ở đó mãi mãi. Khi nhìn ra được bản chất, mình sẽ hiểu tại sao mình lại rơi vào trạng thái như hiện tại và chúng cần bao nhiêu thời gian cùng với sự kiên trì để mình có thể vượt qua được chúng.
[Tập trung] Mọi sự đều cần sự kiên nhẫn và bền bỉ để có thể đi tới cùng, mình không nên đặt nặng câu hỏi về “mình là ai và mình phù hợp với điều gì”, mà thay vào đó là “mình muốn gì và tại sao mình không có được chúng”. Câu hỏi đó sẽ giúp mình tập trung vào hiện tại và thực tế nhiều hơn, thay vì mông lung vô định giữa những sự lựa chọn.
Trong một video chia sẻ tại kênh Youtube Buddhism, Thầy sư trong video có chia sẻ về việc những vấn đề hiện lên chỉ là tức thời. Nó không tồn tại mãi mãi. Những vấn đề đôi khi sẽ trở thành câu chuyện để kể khi chúng ta đạt được tới phần con người mà bản thân mình mong muốn. Nhưng có đôi lúc ta cần phải nghỉ ngơi, phải kiên nhẫn, phải thấu tỏ những bài học lớn mà cuộc đời muốn gửi gắm.

3. Những điều tối quan trọng
3.1. Sức khoẻ thể chất

Những thứ mơ hồ, không định hình được đang ở trong tâm trí mình. Ví như những cảm giác không ổn, những điều không đúng lắm, trạng thái cơ thể mệt mỏi – chính là dấu hiệu cho những điều mình đã làm không đúng trên chặng hành trình.
Bởi mình cứ tiếp tục làm sai, nên hậu quả dẫn tới là điều tất yếu. Lấy ví dụ như mình không tập luyện thể chất, không nghỉ ngơi hợp lý, không ăn đủ chất dinh dưỡng, không uống đủ nước, không có sự tiếp xúc đủ đầy với xã hội,…. mình sẽ không duy trì được một chất lượng cuộc sống tốt. Và chúng từ đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, cùng với những yếu tố khác dần đi xuống.
Cho đến khi mình phải thực sự nhìn ra, ngồi lại, suy ngẫm về những điều mình đã làm. Liệu chúng có đáng để đánh đổi hay không? Sức khoẻ của mình với sự phát triển mà mình mong muốn? Và nếu được làm khác đi, mình sẽ làm gì để duy trì nguồn năng lượng mỗi ngày để đáp ứng được những kỳ vọng mà mình đang có?
3.2. Sức khoẻ tinh thần

Những cảm xúc không phải đến rồi đi. Chúng đến, ở đó, cho mình biết mình cần làm gì tiếp theo. Đôi khi, chúng ta bỏ lơ cảm xúc vì nghĩ rằng chúng không quan trọng. Nhưng kỳ thực, cảm xúc và thể trạng là những lời dẫn dắt của trái tim, tâm hồn. Mà nếu bỏ qua nó, ta cũng sẽ bỏ lơ chính mình, không còn nhận diện được bản thân mình là ai nữa. Bởi vì cơ thể đã cố ra tín hiệu cho bản thân nhiều lần nhưng đều bị ngó lơ, thế nên dần dà nó sẽ thôi không còn cố gắng nữa.
Và cảm xúc, cũng có thể níu mọi thứ đi xuống, cũng giống như những gì sức khoẻ thể chất có thể làm. Mắc kẹt với một cảm xúc tiêu cực sẽ khiến tâm trí chúng ta bị ngập trong những suy nghĩ và không còn chỗ chứa cho những mục tiêu nào khác. Vì vậy nên, việc giải quyết những cảm xúc, gọi tên nó, mang tới một hành động cho nó là điều vô cùng quan trọng. Mà mình cần phải làm điều này dường như mỗi ngày để tránh những cảm xúc quá lớn làm chi phối mọi thứ trong cuộc sống.
3.3. Sức khoẻ xã hội
Sức khoẻ xã hội góp vai trò rất lớn trong việc đảm bảo cho một người có thể duy trì các hoạt động thường ngày. Việc thiếu vắng đi những mối quan hệ xã hội hoặc các gắn kết xã hội sâu sắc có thể khiến cho con người ta cảm thấy cô đơn, trống trải. Từ đó dẫn tới sự đi xuống của sức khoẻ thể chất, tinh thần.
Trong video dưới đây, diễn giả Molly Carroll – một nhà trị liệu về Tâm lý, có chia sẻ về việc tính kết nối quan trọng như thế nào với con người. Nếu không có sự kết nối, con người sẽ dễ dẫn đến trầm cảm, lo âu và thậm chí có ý định tự tử. Nhưng khi có sự kết nối sâu sắc, cơ thể sẽ được củng cố hệ miễn dịch, phục hồi sau bệnh nhanh hơn và sống lâu hơn. Cô chia sẻ rằng việc tăng tính kết nối với người khác chỉ xảy ra khi ta dám chấp nhận cảm xúc của chính mình, cả tốt lẫn xấu, và tin rằng bất cứ ai cũng trải qua những điều tương tự để có thể dũng cảm kết nối và chia sẻ.
4. Tự nhìn nhận
Có sức khoẻ tốt là một điều vô cùng quan trọng đối với mình. Bởi mình đã từng trải qua những tổn thương tâm lý lớn – có tác động sâu sắc đến sức khoẻ tinh thần, thể chất và xã hội. Mình đã học cách tự chữa lành bằng việc dốc toàn lực để cải thiện sức khoẻ. Điều đó đã giúp mình đạt đến một thể trạng tốt hơn, đồng thời mở ra những cơ hội mới.
Nhưng rồi cũng có những thời điểm, mình không thể duy trì được trạng thái sức khoẻ tốt. Và nỗi nhớ về những gì đã diễn ra khiến mình cảm thấy sợ hãi việc đánh mất đi sức khoẻ. Mình cảm thấy có thể đánh đổi tất cả mọi thứ để bảo vệ sức khoẻ. Ngay cả khi vấn đề có thể chưa thực sự tệ đến thế.
5. Lời kết
Tin tưởng, tập trung, hành động là ba thành tố tối quan trọng để giải quyết vấn đề. Mình cần phải tin tưởng thật sâu sắc rằng bản thân mình làm được, đồng thời tập trung vào vấn đề trước mắt để giải quyết và hành động quyết liệt để tiến tới trạng thái mà mình mong muốn.
Ngoài ra, sức khoẻ, trong đó bao gồm sức khoẻ thể chất, tinh thần và xã hội cũng chính là những thành tố cốt yếu để giúp bản thân mình có thể xây một chiếc móng vững chãi để tiến những bước xa, bước dài trên hành trình phía trước.
Để có thể giải quyết được những vấn đề lớn, cần phải xuất phát những vấn đề nhỏ. Cũng như để có thể bước những bước dài, mình cần bắt đầu bằng những bước chân nhỏ. Và việc hình thành những thói quen kiên cố về sức khoẻ – chính là những bước chân nhỏ đầu tiên đó.
Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này.
Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới. See ya ~~~