Blog tháng 08: Bài học về 05 người thầy lớn trong cuộc đời

05-người-thầy-lớn-trong-cuộc-đời-aleneutral

Chào mọi người,

Hôm nay là một ngày đẹp trời, mình dường như thay đổi hẳn tâm thế của mình sau tháng 07.

Tháng 08 bắt đầu với những niềm mơ mới, mở ra cho mình nhiều góc nhìn mới. Và có thể, chính nó sẽ giúp mình tới gần hơn với con người mà mình thực sự mong ước. Bài viết này mình dùng để phân tích một lời chia sẻ của thầy Giản Tư Trung về 05 người thầy lớn: Sách, Thầy, Kinh nghiệm, Nhân vật và Internet. Mình mang đến một vài góc nhìn, những bài học và những kỹ năng mình nghĩ cần phải rèn giũa để có thể học tốt từ mỗi người thầy đó.

Còn giờ thì, cùng mình bắt đầu nhé.

1. Những người thầy

Đầu tháng 08 này, mình có những suy nghĩ về việc chọn THẦY để học.

Mình đã từng đọc ở đâu đó trên trang web của thầy Giản Tư Trung – một nhà giáo dục, một diễn giả nổi tiếng và là tác giả của nhiều cuốn sách về giáo dục, lãnh đạo, và phát triển bản thân tại Việt Nam. Thầy có viết về 05 lựa chọn quan trọng của cuộc đời, bao gồm: Chọn LẼ để sống, chọn NGƯỜI để lấy, chọn VIỆC để làm, chọn THẦY để học, chọn BẠN để chơi. Dường như 05 lựa chọn này luôn lặp đi lặp lại cho đến tận cuối đời mỗi con người. Và chúng được xem là những bài học quan trọng nhất mà mình cần phải nằm lòng thật tường tận để sống tốt cuộc đời này.

Ở lựa chọn thứ 04, thầy có đề cập đến việc chọn THẦY để học. Những người THẦY được nhắc đến có bao gồm: Thầy, Sách, Kinh nghiệm, Nhân vật, Internet.

1.1. Sách

Có lẽ người THẦY lớn nhất của mình là sách, bởi lẽ từ nhỏ đến lớn, mình luôn tìm đến sách khi gặp khó khăn.

  • Thời điểm đầu tiên mình bắt đầu đọc sách là những năm cấp 02, bắt đầu từ những quyển sách Conan.
  • Kế đến mình đọc sách Self-help ở những năm cấp 03, mình mua những quyển sách được giảm giá mà không quan tâm nhiều đến lợi ích của nó.
  • Những năm đại học, sách ở thư viện là chốn thân thuộc của mình. Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng rất “xịn xò”. Có biết bao nhiêu là đầu sách hay không cần phải mua nữa. Thời điểm đó mình đọc sách vì không muốn bỏ lỡ cơ hội. Theo thói quen mình cứ đọc, đọc, đọc. Vì mình không thể làm thứ gì khác hơn.
  • Những năm chuyển nhà không còn gần trường nữa, mình hay đến thư viện và nhà sách để đọc. Chốn yêu thích của mình là Thư viện khoa học Tổng hợp và nhà sách Hải An – Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM). Ngoài ra còn có nhà sách Nguyễn Huệ, nhà sách Fahasa Lotte Mart Q7, nhà sách Phương Nam Cresent Mall Q7,… Và hiện tại thì là nhà sách Phương Nam Vạn Hạnh Mall Q10. Hiện tại, mình đọc sách vì muốn giải quyết vấn đề. Mình đã giải quyết được kha khá những vấn đề thông qua việc đọc sách. Cũng nhờ vậy mà kỹ năng chọn lựa được quyển sách phù hợp của mình cũng tăng lên. Đôi lúc mình chỉ cần lật dở vài cuốn sách là nhìn ra được quyển sách phù hợp với vấn đề hiện tại.

Mình thiết nghĩ rằng cũng giống như quá trình đọc sách, những người THẦY khác cũng tương tự. Bắt đầu từ việc tìm đến chúng để giúp, cho đến khi chúng hình thành trong mình những kỹ năng, những phản xạ. Mà mỗi lần gặp vấn đề, mình sẽ biết tìm kiếm câu trả lời ở đâu.

1.2. Thầy

Kỹ năng hay nhất mà mình học được từ một người bạn của mình đó là: việc nhìn ra giá trị của mỗi người mang lại sức mạnh to lớn đến như nào. Mỗi người đều lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau và có những trải nghiệm sống khác nhau, ai cũng mang trong mình những vẻ đẹp riêng. Nếu mình biết cách nhìn nhận và khai phá được vẻ đẹp đó, mình sẽ có thể mang tới cảm giác muốn chia sẻ ở người khác. Và chính thời điểm đó, một người THẦY mới sẽ xuất hiện.

Mình chỉ có thể xem một ai đó là Thầy khi mình biết rằng những điều mà họ chia sẻ có thể giúp ích cho bản thân mình. Điều này cũng mang tới cho mình cảm giác tôn trọng và nể phục dành cho người khác. Nhưng nếu mình có thể Tôn trọng và nể phục được rất nhiều người, thì chính họ sẽ trở thành những người Thầy của mình trong mọi mặt của cuộc sống.

Học được cách quan sát, nhận ra được những giá trị của người khác và kết nối với trải nghiệm của mình là một kỹ năng. Mình nghĩ rằng chúng vô cùng quan trọng. Bởi vì đó là một cách trực tiếp nhất để mình có thể phát triển một cách nhanh chóng.

Vậy làm sao để học được kỹ năng này? Chỉ có thể luyện tập rất nhiều, về việc tiếp xúc với người khác và phát hiện ra những điểm đẹp của họ. Vận dụng những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà mình đang có để đặt những câu hỏi đúng. Từ đó khai thác được những gì đẹp đẽ hơn mà mỗi người chưa có cơ hội để nói ra. Hoặc chính họ, còn không nhìn nhận được rằng bản thân mình có giá trị đó.

1.3. Kinh nghiệm

Kinh nghiệm được rút ra từ việc thử và sai.

Kinh nghiệm khác với lý thuyết ở chỗ, ở mỗi trường hợp khác nhau mỗi con người khác nhau sử dụng đã mang tới sự khác biệt. Và kinh nghiệm được đúc kết từ hành động, chứ không phải thông qua việc tiếp thu từ người khác.

Trong một video của Master Anh Đức, một nhân vật truyền cảm hứng mà mình theo dõi gần đây có một câu là: “Chúng ta không làm điều chúng ta biết, chúng ta làm những thói quen”. Mình thấy chúng rất hay, và mình thường xuyên lặp lại nó dạo gần đây. Ta chỉ làm những thói quen. Và khi làm một thói quen đủ nhiều, ta mới cho mình được những kinh nghiệm về việc điều đó có đúng không, có hiệu quả không, có giúp bản thân mình phát triển hay không.

Để một thứ phát triển thành thói quen bao gồm rất nhiều yếu tố, ví như: chủ động, kỷ luật, bền bỉ, không ngại khó, hiểu được về bản chất,… Nhưng khi một người đã có thể dùng những nguyên liệu đó để đúc kết cho mình những kinh nghiệm từ thói quen, chúng sẽ kiến tạo nên cho họ một hệ thống.

Càng nhiều kinh nghiệm mình có được, mình sẽ có thể tạo ra một hệ thống suy nghĩ và hành động tự vận hành. Chúng sẽ không khiến mình tiêu tốn quá nhiều tài nguyên mình đang hiện có vào việc suy nghĩ để tìm ra giải pháp nữa. Bởi vì mình đã có thể sử dụng các nguồn lực và hệ thống để làm việc cho chính mình.

Có nhiều thứ thực sự rất vô hình. Chúng không thể cảm nhận được, cầm nắm được, nhưng chúng giúp mình lớn. Và có được cảm giác “đang lớn” đó chính là tia hy vọng và nguồn động lực bền vững nhất, giúp mình bước thật vững vàng về phía trước.

1.4. Nhân vật

Dạo gần đây, mình lắng nghe những bài giảng của những NHÂN VẬT khác trên Youtube.

Trước đây, mình hay lắng nghe thiền sư Minh Niệm, giáo sư Phan Văn Trường, Giáo sư Giản Tư Trung,… Nhưng hiện tại mình đang chuyển sang lắng nghe các nhân vật có tư duy kinh doanh như Coach Duy Nguyễn, Phạm Thành Long, CEO Ngô Minh Tuấn, Master Anh Đức,….

Trong khi những nhân vật theo góc nhìn Tri thức mang tới cho mình cách suy nghĩ có chiều sâu, thì những nhân vật theo góc nhìn Kinh doanh lại giải quyết vấn đề theo cách thức đơn giản, thẳng thắn và quyết đoán.

Sau một thời gian tiếp nhận những bài giảng, mình cảm thấy sự khác biệt lớn ở bản thân. Tư duy kinh doanh giúp làm lấp đi những điểm yếu mình hiện đang có. Chúng giúp mình nhìn thẳng vào vấn đề và giải quyết một cách dứt khoát. Đồng thời chúng cũng giúp mình cảm nhận được lối suy nghĩ của những người quyết đoán. Sự củng cố về mặt tư duy này giúp mình nhìn cuộc sống đa chiều hơn và có thể dễ dàng kết nối với nhiều người hơn.

Mình nghĩ rằng sau này khi được làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau nữa, mình sẽ có thể phát triển tư duy đa chiều. Chúng rất giúp ích cho mình trong việc trở thành con người hoàn thiện và học cách đón nhận những khác biệt.

1.5. Internet

Khi nói về Internet, mình muốn nói về mạng xã hội. Và cách mà mạng xã hội đang chi phối cuộc sống con người hiện tại.

Một người bạn của mình đã chia sẻ rằng: Mình không nên chỉ làm điều mình thích, mình nên làm điều người khác cần. Quả đúng thực là như vậy, công việc hiện tại giúp hình thành nên mình tư duy về việc nhìn rõ được giá trị của một thứ nào đó và liên kết chúng với nhu cầu của xã hội. Mình không còn chỉ viết vì mình thích nữa, mình chia sẻ chúng lên mạng xã hội vì niềm tin rằng chúng có thể mang lại giá trị cho một ai đó khác.

Tuy vậy, Internet còn vô vàn những nguồn tài nguyên khác nhau mà mình chưa khám phá hết. Sức mạnh của thế giới ngày một rộng mở hơn, điều đó cho phép mỗi con người có thể dựa vào đó để thể hiện bản thân, để học hỏi, để phát triển. Chắc chắn rằng là sau này, mình sẽ tìm ra các cách thức và công cụ để có thể khai thác nguồn lực ở Internet một cách hiệu quả nhất.

2. Lời kết

Cuối bài viết này, mình muốn nhắn nhủ rằng: Những người thầy này là quan trọng và mình luôn nhận thức rõ nét phải học cách học hỏi từ họ một cách hiệu quả nhất.

Có những bài học, cần phải đi một đời người mới có thể học cho tròn. Và đây chính là một bài học như vậy. Học từ sách, thầy, kinh nghiệm, nhân vật, internet, mỗi ngày một ít, tuỳ theo hoàn cảnh mà mình sẽ chọn học từ người thầy nào cho phù hợp.

Thông qua việc học tập đó, mình sẽ biết làm sao để nhận diện vấn đề, xác định vấn đề và tìm cách để có được câu trả lời thông qua những người thầy. Khi kỹ năng học hỏi đó được mài dũa sắc bén hơn, chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho những công việc của mình sau này.

Đúc kết lại thì, những bài học còn rất nhiều, mình cần đủ tĩnh tại để nhìn ra và đúc kết chúng. Hãy cứ bước tiếp, bởi đường còn dài.

Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này.

Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới. See ya ~~

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x