Blog tháng 07 – Một đời như kẻ tìm đường

Chào mọi người,

Mừng mọi người đến với blog tháng 07. Tháng 07 này mang tới cho mình nhiều trải nghiệm đáng nhớ, giúp mình có những góc nhìn khác hơn về bản thân và cuộc sống. Mình phát hiện được những cách học rất hay mà trước đây chưa từng được biết đến. Và đâu đó, chúng bắt đầu mở ra những chương mới trong cuộc đời.

Giữa những điều không thể và có thể.
Giữa những điều khiến mình vui và không vui.
Giữa những điều tưởng chừng như không đáng kể nhưng lại mang lại kết quả lớn lao.
Tháng 07 giúp mình nhận ra rằng những gì mình đã và đang làm trước đây không hoàn toàn là những mình muốn. Và rằng mình có thể làm khác đi để bước từng bước tới một con người hoàn thiện hơn.

Để bắt đầu chiếc blog hôm nay, mình sẽ đi vào những nội dung: đối mặt trực diện với vấn đề, cách não bộ tự học trong vô thức, như thế nào là phù hợp và không phù hợp, nếu một thứ gì đó đã từng là của mình, có phải nó sẽ mãi mãi là của mình hay không? Mình mong rằng chiếc blog này có thể giúp được phần nào cho bạn. Còn giờ thì, cùng mình bắt đầu nhé.

1. Đối mặt trực diện với vấn đề

Điều gì giúp bản thân mình lớn lên?

Dạo này mình được tiếp xúc với lĩnh vực Sales, một lĩnh vực đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm và tư duy kinh doanh. Mình đã rất sợ trong khoảng thời gian đầu tiên và không biết cách làm sao để vượt qua những nỗi sợ của bản thân. Từ nỗi sợ mình không mang lại giá trị thực sự, sợ mình không đủ năng lực, sợ người khác đánh giá,…. Để vượt qua hết những nỗi sợ đó, mình đã tìm hiểu thêm về tư duy kinh doanh và tư duy bán hàng. Mình bắt đầu nhận ra bản chất của vấn đề và xác định được những hành động bắt buộc phải thực hiện trong quá trình tư vấn bán hàng để đạt được kết quả.

Những tư duy đó đã giúp mình đối diện với nỗi sợ, xử lý và làm chủ chúng. Chúng biến mình thành một con người mới. Mình không còn quá bị lệ thuộc bởi thói quen hay tính cách mà thay vào đó là nhận diện, đối diện và thay thế những nỗi sợ bằng một tâm thế đúng đắn. Trải nghiệm này giúp mình nhận ra là, mình cần có một tư duy phù hợp khi đối diện với một vấn đề, sự vật, sự việc để hiểu rằng khó khăn là một phần của chặng hành trình. Và điều mình cần làm là học cách vượt qua chúng chứ không phải né tránh.

2. Cách não bộ tự học trong vô thức

Trong công việc, mình có một nhận thức đối với “sự phát triển” khá rõ nét. Bao hàm những kỹ năng mà mình trở nên thành thục hơn sau mỗi ngày. Ví như kỹ năng nhận diện cảm xúc, kỹ năng điều chỉnh nhịp điệu giọng nói, kỹ năng tư vấn, kỹ năng bắt chuyện và tương tác với người khác … Đó là một chuỗi những công việc mà mình cần phải là để cho ra được thành quả. Nhưng hành trình đó rất vui. Và mình cũng nhìn thấy được rằng mình đang lớn thông qua sự cải thiện mỗi ngày.

Cách não bộ học một kỹ năng và trưởng thành lên từ những hành động được lặp đi lặp lại mỗi ngày có thể được diễn ra trong vô thức. Trong video The Neuroscience of Learning | Halo Neuroscience, tác giả có chia sẻ về việc các kết nối trong não bộ được hình thành như thế nào. Khi luyện tập, các “cơ bắp” neuron được sản sinh mới trong não bộ, và khi sự luyện tập ấy một nhiều lên, thì các neuron được hình thành nhiều hơn và việc đưa ra những hành động hay quyết định cũng trở nên dễ dàng hơn.

Trong một video khác của Halo Neuroscience có đề cập tới khái niệm “Neuroplasticity“, ý chỉ về hoạt động não bộ thay đổi và thích nghi do kinh nghiệm. Cụ thể hơn là các neuron được xây mới hoặc tái cấu trúc lại sau chấn thương tâm lý hoặc hoạt động học tập. Điều này đồng nghĩa với việc càng nhiều liên kết thần kinh được hình thành bao nhiêu thì khả năng đối kháng của chúng đối với “những suy nghĩ mình vẫn còn yếu kém” càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu.

Để có thể nâng cấp một con người, chỉ có thể thông qua việc học và luyện tập mỗi ngày. Những hoạt động mà mình lựa chọn để dành thời gian cho đều góp phần củng cố nên chính con người mình. Bởi vậy việc lựa chọn môi trường học tập hay làm việc là vô cùng quan trọng.

3. Như thế nào là phù hợp và không phù hợp?

Cách mình làm một việc chính là cách mà mình làm mọi việc”

Trước đây, mình đã từng nghĩ có điều gì đó sai trong cách mình làm việc. Hoặc sai trong cách mình chọn công việc. Nhưng mình không biết chính xác đó là gì. Tháng 07 này cho phép mình xâu chuỗi và nhận ra được vấn đề thực sự, đó chính là: “Cách mình làm một việc chính là cách mà mình làm mọi việc”

Có một chia sẻ từ Giáo sư Phan Văn Trường mà mình thấy rất hay. Đó là bí quyết thành công của thầy có lẽ xuất phát từ việc thầy muốn làm thật tốt trong mọi việc. Cũng như không cho phép bản thân đạt được những kết quả dưới mức tiêu chuẩn của chính mình.

Cái cách mà thầy làm một thứ đã dẫn đến cách mà thầy làm mọi thứ. Từ làm bếp, rửa chén, đánh golf cho đến quản trị một doanh nghiệp lớn. Thầy đạt được trạng thái chánh niệm để nhìn ra được điều mình cần và mong muốn. Và thầy cũng đem cách làm này để áp dụng trong tất cả mọi công việc. Để rồi từ đó có được cảm giác trân trọng, biết ơn, cân bằng và thể hiện xuất sắc trong từng khía cạnh cuộc sống.

Những suy nghĩ vướng mắc về việc tại sao mình không thể làm điều này hay điều khác cũng được giải đáp từ đó. Mình nhận ra không phải là sự phù hợp hay không phù hợp ở công việc, mà chính là “cái cách mình làm một việc” mới là vấn đề cần phải thay đổi. Mình cần cố gắng làm thật tốt trong một việc mà không cần biết đó là công việc gì, mình có thích nó hay không, mình có thể làm nó hay không. Bởi vì khi mình biết bản chất của việc giỏi một thứ là như thế nào, thì đó là lúc mà mình có thể làm giỏi thêm nhiều thứ khác nữa.

4. Nếu một thứ gì đó đã từng là của mình, có phải nó sẽ mãi mãi là của mình hay không?

Bất kỳ điều gì trong cuộc sống cũng cần phải được nuôi dưỡng. Và chính cơ thể, cũng phải cần được chăm sóc đúng cách để có thể duy trì được những khả năng tối ưu của chúng. Những thói quen và bài học mà mình đã từng có như chế độ ăn uống, giấc ngủ, viết lách, chạy bộ,… cần phải đi theo mình dường như mỗi ngày để định hình được bản thân mình là ai. Đồng thời giúp mình đạt tới những mục tiêu mà mình mong muốn.

Mỗi kỹ năng, nếu không được trao dồi sẽ ngày một mai một. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Và ngay cả khi mình không nhìn thấy đi chăng nữa, thì sự luyện tập mỗi ngày đều đang tạo ra kết quả. Ví như lúc mình đọc sách và viết mỗi ngày. Thì ngay cả khi không nhìn thấy được những kết quả hữu hình, mình vẫn đang lớn lên. Mình có thể viết nhanh hơn, nhìn nhận được những suy nghĩ của mình một cách rõ nét hơn. Và từ đó đưa ra những bài học một cách rõ ràng hơn.

Đúng nghĩa rằng những bài học giúp mình sống cuộc đời của mình một cách trọn vẹn. Thời điểm khi mình viết một bài học mỗi ngày, mình thấy rằng mình có thể xác định và giải quyết được những vấn đề mình đang có nhanh hơn và có nhiều năng lượng để tận hưởng cuộc sống. Nhưng khi mình không duy trì nó một cách thường xuyên, mình cũng đánh mất khả năng đó.

Đó chính là lý do mà mọi thứ đều cần được nuôi dưỡng. Những thứ mình cần, những thứ cần mình để được sống, và những gì mà mình đang ấp ủ trong tâm trí. Tất cả chúng đều cần phải được duy trì đều đặn mỗi ngày để giúp mình trở thành một con người tốt hơn mỗi ngày.

Cảm ơn bạn đã đến và đọc bài viết này.

Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới. See ya !!!

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
1
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x