WE Escape: Mất tích

WE Escape: Mất tích

“Khi ba lên tám, lên mười
Chơi guitar không hay nên ba tập chơi trống
Đôi chân lo lắng run run, đôi tay ba đánh lung tung
Bao nhiêu năm ròng rã qua rồi
Bao nhiêu năm lặng lẽ ba vẫn hay cười
Ba ước mơ thật nhiều, ba khát khao thật nhiều
Ba yêu con biết bao nhiêu”

Ba yêu con biết bao nhiêu …

Phần lời bài hát lặp đi lặp lại trong đầu mình. Đây là một mảnh ghép trong trò chơi giải cứu nhập vai mà mình được trải nghiệm gần đây. Trò chơi nói về một gia đình bị mất tích và hàng xóm liên tục nghe những tiếng động lạ phát ra ở trong chính căn nhà. Bí mật được ẩn dấu trong tập hồ sơ X. Và bọn mình sẽ đi tìm tập hồ sơ đó bằng cách giải mã từng manh mối.

———————-

Trong quá trình chơi, mình không sợ mấy, chỉ có một pha hù dọa bất ngờ. Tới đến bây giờ mình mới nhớ lại và có thể hình dung về những gì đã xảy ra. Một căn nhà, chỉ có bóng tối, không có một chút gì gợi dậy của sự sống. Nhưng đến giữa cuộc điều tra xuất hiện một manh mối về âm nhạc. Mình còn nhớ âm nhạc chính là cội nguồn của hy vọng trong một bộ phim mình xem. Chí ít thì trong căn nhà này vẫn còn một chút gì đó của nguồn sống ấy, một chiếc đàn piano. Mình không thể hình dung được chuyện gì đã xảy ra, nhưng mình dường như đã thực sự nhập vai và sống những thời khắc trong căn nhà đó. Trải nghiệm bóng tối, những âm thanh, những góc khuất của căn nhà, đọc nhật ký của Liên và bắt đầu cảm nhận được những cảm xúc của em ấy. Có một thứ gì đó khiến mình in dấu những câu chữ trong nhật ký của Liên hơn bất kỳ những tiếng động hay hành động hù dọa nào đã xảy ra tối hôm ấy. Có lẽ vì mình đã đọc lại chúng nhiều lần để tìm ra manh mối, cũng có thể vì mình hay đọc hằng ngày nên mình sẽ ghi nhớ câu chữ dễ dàng hơn. Mình không chắc lý do là gì, nhưng dường như mình chắc chắn một việc, đây là một câu chuyện đã và đang xảy ra với rất nhiều người ngoài kia. Theo một cách nào đó, những gì được ghi lại chính là một cách nhìn nhận chân thật nhất về những gì đã xảy ra, về những gì đọng lại, về những người đã ra đi. Tệ hơn là với những hoàn cảnh trẻ em vẫn còn đang chật vật đối diện với nỗi sợ từng ngày. Tương lai của các em, thế giới mà các em sẽ sống, con người mà các em sẽ trưởng thành, liệu có thể tốt đẹp được hay không?

Về nhật ký của Liên, tại sao nó có sức ảnh hưởng tới mình đến vậy. Có lẽ bởi sự góp nhặt của các nhân tố trong căn nhà đó, và sự lặp đi lặp lại những câu chữ trong đầu mình ngay lúc này chính là câu trả lời. Em ấy viết rằng em ấy sợ hãi nhưng không dám kêu cứu, vì nếu nói sự thật em ấy lại bị đánh đập nữa. Em ấy nói em ấy muốn đi cùng ba, vì ba em ấy mất rồi, còn em thì không muốn sống cùng với mẹ và dượng. Mỗi lần nghe bài hát “Ba kể con nghe”, em ấy cảm thấy lòng thật thanh thản, vì em cảm nhận được ba đang ở cùng em. Rất nhiều tình tiết nữa để hình dung được một câu chuyện thực sự. Mình phần nào cảm nhận được những gì em ấy phải chịu đựng, những nỗi sợ hãi, những sự chối bỏ và những niềm hy vọng không thể tồn tại.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Anna Frank đều có sức lay động. Nhưng những câu chữ này thì khác, chúng là hiện thực, là nỗi đau và là tương lai của những đứa trẻ. Và có thể chúng đang là tiếng kêu cứu thất thanh của một đứa trẻ nào đó ngoài kia. Chỉ là chúng ta không biết, không có nghĩ là chúng không xảy ra. Và bởi vì chúng ta không biết, không có nghĩa là những người lớn đó có thể tự do làm những gì họ muốn. Họ phải có trách nhiệm cực kỳ to lớn lắm, khi họ đang nắm trong tay số phận của cả một con người.

Mình tự hỏi có ai đó có thể làm được gì không ? Các em ấy có thể chọn lựa tương lai của mình hay không ? Liệu có một cuộc sống tươi đẹp nào sẽ đến với các em hay không ? Liệu rồi các em ấy sẽ ra sao với chừng ấy chấn thương tâm lý và thể xác ? Liệu rồi các em có thể nhìn ra được những nỗi đau để bắt đầu cuộc đời lại một lần nữa ?

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Mình vốn cũng đã từng là một đứa trẻ, mình cũng không thể quên được những nỗi đau. Nhưng chí ít thì hiện tại, mình có thể giúp bản thân để nhận thức hay chữa lành được những nỗi đau để tiến lên phía trước. Nhưng mình tự hỏi đối với những nỗi đau quá lớn thì sao ? Đối với những người đã sống và chịu đựng những tổn thương quá sức chịu đựng thì thế nào ? Phải bao lâu thời gian, phải bao nhiêu cố gắng và phải chừng nào tình yêu thương mới làm sống lại được những phần con người rất đẹp đó ?

Phải làm nhiều đến nhường nào để bù đắp ?
Và liệu có thể được hay không ?

-Aleneutral-

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x