Blog tháng 03: Làm thế nào để cảm thấy hài lòng ở hiện tại?

Blog tháng 03: Làm thế nào để cảm thấy hài lòng ở hiện tại?

Chúng ta cứ đi khi theo đuổi mục tiêu. Có người nói đoạn đường dài phía trước, phải bước đều từng bước, không được ngơi nghỉ để chạm tới được ước mơ. Có người vạch ra tương lai của bản thân rồi quên mất những gì hiện diện ở thực tại. Trong khoảng thời gian người khác rong ruổi những điều “thuộc về cuộc đời” thì một vài người lại chỉ đăm đăm vào một mục tiêu trước mắt.

Câu hỏi là, làm sao để vừa chú tâm vào mục tiêu, vừa tận hưởng hiện tại? Khi nghĩ về tương lai, mình băn khoăn liệu rằng sẽ bỏ lỡ điều gì đó khi mải mê chú tâm về mục tiêu. Nhưng trớ trêu thay, khi không có mục tiêu, mình cũng lo sợ rằng sẽ bỏ lỡ điều gì đó rất quan trọng. Mình cứ rơi vào những câu hỏi không lời đáp về việc tạo ra và quản lý mục tiêu như thế nào để có những phút giây trọn vẹn trong cuộc sống. Bởi được “sống trọn vẹn” thực sự là một niềm hạnh phúc đối với mình và “sự cố gắng” cho những điều tốt hơn cũng là một phần không thể thiếu.

Câu hỏi là, khi nào thì cuộc sống sẽ cân bằng, khi nào thì thành công và hạnh phúc bắt gặp nhau? Đó chính là điều mà mình đã đi tìm kiếm trong tháng 03 này. Mình có tìm được câu trả lời không? Câu trả lời là không. Nhưng hiện tại mình cảm thấy an yên trong việc theo đuổi mục tiêu. Thay vì chạy theo mục tiêu một cách mù quáng, mình tìm thấy phút giây hiện diện ở thực tại để nghĩ về tương lai.

Trong bài viết này mình muốn gửi đến bạn hành trình tìm về cân bằng của mình trong tháng 03 này. Mình có viết về những vấn đề về Tham Sân Si mà mình đã mắc phải: cách mình nhận ra và chấp nhận chúng để rồi chuyển hóa chúng. Mình đã tìm được một vài hướng dẫn về việc nhận diện và vượt qua cảm xúc tiêu cực từ những quyển sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh và thiền sư Shunmyo Masuno. Chúng rất có ý nghĩa đối với mình. Mình mong rằng chúng cũng sẽ giúp ích với bạn.


1. Tham

(Tham) Vấn đề của mình: Mình đã từng chối bỏ những khoảnh khắc cố gắng khi mình không đạt được những cảm giác như ý muốn. Đối với mình, sự cố gắng không bao giờ là thừa thãi và mình lúc nào cũng không ngừng cố gắng để hướng tới điều tốt đẹp hơn. Mình luôn mong cầu những cảm giác tích cực và hình dung được những điều có thể giúp. Nhưng mọi thứ sẽ không thành vấn đề khi mình dừng lại ở việc phấn đấu vì một cuộc sống tốt hơn. Thay vào đó, mình quá chú tâm vào những mong cầu và buộc lòng mình phải đạt được chúng bằng bất cứ giá nào. Điều đó khiến mình vô tình phá bỏ quy luật tự nhiên, phá bỏ quy luật phát triển của bản thân và không thể sống hết mình ở hiện tại.

Sự tìm kiếm: Mình đã đặt câu hỏi về việc giải quyết được vấn đề rất lâu cho đến khi đọc được quyển sách Hỏi đáp từ trái tim của Thầy Thích Nhất Hạnh. Quyển sách trả lời cho những câu hỏi mà người bình thường hay gặp phải và giải thích chúng theo quan điểm Phật giáo. Biết và hiểu về những điều này khiến mình nhận diện và phân loại được một số những cảm xúc. Cũng chính nhờ vậy mình có thể học được cách kiểm soát khi chúng xuất hiện.

Bài học: Thầy Thích Nhất Hạnh có viết bản thân việc tồn tại vốn dĩ cũng đã thể hiện được sự hiện hữu rồi. Ngay cả khi chúng ta không đuổi theo mục tiêu, chúng ta cũng đã là những hạt giống sẵn đó, ta không mất đi hay không biến đổi vì vậy mà ta cũng không nên đau đáu để tìm về chính mình. Sống được ở hiện tại đã là một sự trọn vẹn rồi.

Nhưng sống ở hiện tại không đồng nghĩa với việc đánh mất quá khứ hay tương lai. Mà là chấp nhận mọi sự đang diễn ra đều mang vẻ đẹp của chính nó, hiểu và học cách đón nhận bất kỳ màu sắc nào của cuộc đời. Ví như khi mình không hoàn thành được một thứ gì đó đúng hạn thì mình cũng nhận được một bài học về sự chuẩn bị. Khi mình không được một ngày năng suất như ý muốn thì mình cũng được một bài học về sự linh hoạt. Khi mình không đủ tập trung trong một ngày mà bỏ lỡ điều quan trọng thì mình cũng được một bài học về đầu tư cho sức khỏe. Và mỗi bài học đó khi học được thì kết quả lại đáng giá hơn rất nhiều so với một ngày năng suất bình thường mang lại.

Và tập trung cho bất cứ điều gì: sức khỏe, mối quan hệ, tình yêu hay công việc,.. đều không phải là sự phí phạm thời gian. Ngược lại, đó chính là cuộc sống. Ngay cả khi mình nghĩ đó là điều không cần thiết ở thời điểm hiện tại, thì những suy nghĩ và cảm giác mong cầu chính là thứ nhắc nhở cho mình rằng cần phải dành thời gian cho việc đó. Và rằng chỉ khi đầu tư thời gian và công sức cho chúng thì mình mới tiến gần hơn tới những gì thực sự thuộc về chính mình.

2. Sân

(Sân) Vấn đề của mình: Trong mối quan hệ giữa người với người, khi mình không thể tìm ra câu trả lời rõ ràng cho tất cả những tình huống. Phần lớn trong số đó, đều là những cách ứng xử, kỹ năng hay kinh nghiệm tự thân. Bài học về cách làm người luôn là bài học lớn nhất. Tuy vậy, trên hành trình đó, mình có những cảm giác không thoải mái. Mình cảm thấy không được yêu thương, không được thấu hiểu, không được tôn trọng. Và chính những cảm giác đó khiến mình không thể chịu đựng nổi thực tại và muốn thay đổi. Nhưng sự thay đổi lại không hề dễ dàng. Chính vì vậy mà mình sinh ra đau khổ do không thể đạt được cảm giác mà mình mong muốn.

Sự tìm kiếm: Trong quyển Hạnh phúc cầm tay, thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết rằng: Hiểu và thương là một năng lực, chỉ khi có nó ta mới trao được cho người khác. Và chúng ta không thể mong cầu hiểu và thương từ người khác mà phải tự xây dựng cho chính mình. Càng có nhiều hiểu biết thì càng dễ mở rộng lòng mình, càng dễ tạo được cho mình hạnh phúc tự thân. Cũng vì thế mà dễ trao đi niềm vui và sự an yên nơi người khác. Đó chính là cách để thay đổi trái tim một người – trao cho họ niềm hạnh phúc mà mình đang có trong tay.

Bài học: Tuy vậy, việc thay đổi trái tim một người cần có thời gian chứ không phải ngày một ngày hai. Người khác có thể không yêu, không thấu hiểu, không tôn trọng mình trong một khoảng thời gian là chuyện có thể xảy ra. Chấp nhận nỗi đau này và chấp nhận thực tại chính là một phần của cuộc sống. Không cố chấp, không vội vã, không khắc khoải vì những điều chưa thể thay đổi được là cách giảm bớt khổ đau để cố gắng vì điều có thể thay đổi được.

Vậy đâu là điều có thể thay đổi được? Chính là điều mình đang cảm nhận nơi trái tim. Nếu không thể tìm thấy cảm xúc tốt đẹp ở một ai đó, một cộng đồng nào đó thì mình tìm nó ở nơi khác hoặc tự mình xây dựng nó. Mình không thể để cảm xúc của mình bị lệ thuộc bởi một điều gì khác hoặc một ai đó khác, vì sự hồi đáp của họ lại là điều không thể đoán định.

3. Si

(Si) Vấn đề của mình: Mình mải mê đi tìm kiếm và nghĩ về những mối lo ở quá khứ và tương lai mà đánh mất đi thực tại. Mình bị cảm xúc tiêu cực dẫn dắt và chi phối để đưa đến những quyết định không khiến mình hạnh phúc.

Nhưng điều đó cũng thực khó để kiểm soát. Đâu phải dễ dàng mà bất cứ ai cũng có thể đủ bản lĩnh, can trường và tỉnh táo để nhìn ra điều gì là đúng sai, điều gì là có thể thay đổi? Điều gì không? Và hơn cả thế, là họ có thể chọn điều gì để mang lại hạnh phúc?

Sự tìm kiếm: Mình cũng không thể thừa nhận rằng mình có đủ năng lực và hiểu biết để nhận ra những cảm xúc tiêu cực và đối diện với chúng. Nhưng mình có nhận ra một vài thứ có thể đem đến cho mình hạnh phúc, ví như việc tưới mát cho tâm hồn và thể chất chẳng hạn. Thay vì chìm đắm trong những bế tắc, mình có thể tự tạo ra một lối thoát bằng cách tìm về kiến thức, nạp vào những món ăn ngon lành hay hoạt động thể chất. Mình nhận ra điều đó trong một thời điểm khó khăn, khi mình đang đối diện với những điều không như ý trong cuộc sống. Lúc đó mình chỉ có thể tìm đến sách và chạy bộ vì mình cảm thấy đó là những điều có thể giúp. Đúng thật là khi được nạp vào một điều gì đó mới, mình cảm nhận được niềm hy vọng chảy trong trí óc và lồng ngực mình. Đó là cảm giác tích cực nhất mà mình có trong ngày và đó là thứ khiến mình tin tưởng vào việc mình có thể thay đổi hiện tại để trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng khi mình đánh mất vòng xoay tích cực đó, mình cũng lạc lối và thậm chí trở nên chán chường với cuộc sống.

Bài học: Trong quyển sách Sống đơn giản cho đời thanh thản của thiền sư Shunmyo Masuno có đề cập về việc làm mới cuộc sống. Dẫu rằng chúng ta luôn làm những điều như thường nhật, nhưng tính mới ở chỗ ta nhận ra được vẻ đẹp của chúng. Đó không chỉ là việc học cách yêu và chấp nhận những điều không trọn vẹn với ý mình. Mà còn là tự tạo nên một điều mới mẻ trong cuộc sống nếu mình thực sự chán chường với công việc hiện tại. Trải qua những nỗi khắc khoải đó mình mới biết về một vài thứ mình yêu và một vài thứ mình không thuộc về. Ngay cả khi lựa chọn ở bên cạnh thứ mình không thuộc về, mình cũng cần nhận ra điểm đẹp đẽ để bước tiếp cùng nó. Mình hiểu nhiều hơn về chính mình và hiểu nhiều hơn về thế giới khi trải qua những cảm xúc đó. Đó thực sự là những tài sản quý giá không thể đong đếm được.

4. Kết

Vậy là kết thúc chuỗi ngày Tham, Sân, Si. Mình không nghĩ ai đang sống mà mà không mắc phải những tiêu cực này, thực sự. Đó là một điều rất bình thường trong cuộc sống. Ví như Thiền sư, không phải là Thiền sư thì không nếm trải những Hỷ nộ ái ố của thường trần, mà là trải qua rất nhiều và rồi nhận ra, đúc kết, truyền lại cho những người cần chúng. Hay đạo Phật – được sinh ra cũng chính là để giải thoát con người khỏi đau khổ. Mà muốn dạy về khổ đau thì trước hết phải đối diện và biết cách để vượt qua nó trước nhất. Khi vượt qua được rồi thì đó là lúc người ta rèn giũa được năng lực hiểu và thương nơi trái tim mình.

Thế nên mình cảm thấy rằng là, chỉ cần thế giới quan của mình thay đổi, cuộc sống của mình sẽ trở nên khó khăn hay dễ dàng hơn. Không phải bởi cuộc sống vơi dần đi những nghịch cảnh, mà là trên hết thảy, nghịch cảnh đó chính là một phần của con đường mình đang đi. Chấp nhận, đối mặt và vượt qua nó mới giúp mình lớn lên, chứ không phải là chối bỏ chính nó hay chối bỏ chính mình.

Vậy là kết thúc bài viết của tháng 03 trong những ngày đầu tháng 04.

Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sắp tới.
Cùng đón chờ nhé!

-Aleneutral-

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x