Tiếp nối với những gì đã viết trong bài viết trước “The Shawshank Redemption (1994) và bức tranh hiện thực về tự do”, trong bài viết này mình sẽ đề cập tới hy vọng, những suy nghĩ của mình về hy vọng và những trải nghiệm hiện thực mà mình có sau khi xem bộ phim này.
Nào, còn chần chừ gì nữa, cùng mình bắt đầu nhé!
Trong phần trước, mình đã nói về “thể chế hóa” (institutionalized) và “cải taọ” (rehabilitated) . Phần nhiều nhìn thấy những sự giống nhau giữa “cải tạo” (rehabilitated) và “giáo dục” (educated). Mình đã đưa ra cách nhìn của việc “được giáo dục” có thể thay đổi cuộc đời của một người như thế nào. Và quan điểm về “đúng sai” có thể áp dụng cho tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh được hay không? Bạn có thể đọc lại bài viết trước tại đây.
Trong phần này, mình sẽ lại đề cập tới “giáo dục” và một “chất xúc tác” để nuôi dưỡng sự giáo dục đó, chính là “những điều tốt đẹp“. Trong bộ phim này, Andy Dufrense đã nhờ vốn tri thức của mình mà nắm bắt từ hết cơ hội này đến cơ hội khác: Bắt đầu từ việc kê khai thuế cho lính cai ngục, đến mở và quản lý một thư viện, cuối cùng là dạy học cho các tù nhân. Dù cho trong đời sống thực hay trong ngục tù thì tri thức cũng là thứ tạo nên sự khác biệt. Mình vẫn sẽ đề cập tới tầm quan trọng của “tri thức” trong bài viết và đồng thời nhấn mạnh đến một thứ không thể không có để sự khác biệt xảy ra – chính là “những điều tốt đẹp” (good things).
3. Hy vọng
Nếu như một người bị “thể chế hóa” hay được “cải tạo” một thời gian dài, anh ta sẽ dần quên đi những thứ đẹp đẽ trong quá khứ. Như cái cách mà những nhà cai ngục, bạn tù hay lính gác đối xử với một người tù nhân sẽ phần nào khiến anh ta cảm thấy điều tương tự. Và những điều đẹp đẽ như trung thực, liêm chính, hy vọng, tin tưởng,.. sẽ không thể tồn tại trong một xã hội như vậy. Khi tù nhân luôn phải răm rắp nghe theo những lời răn đe của những người cai ngục như một lẽ hiển nhiên. Và cũng như Red đã nói, trong suốt 40 năm, ông đã xin phép được đi tiểu. Giờ đây khi không nói những lời đó, ông không thể đi nổi một giọt nào.
“Thể chế hóa” trong một thời gian đủ lâu có thể thay đổi hoàn toàn một người và những gì thuộc về bản chất anh ấy. Red hay Brooks hay những tù nhân khác cũng vậy, cũng đều tự nhìn nhận mình theo cái cách mà mọi người đối xử với họ. Sự khác biệt giữa cái cách mà mọi người nhìn họ với cái cách mà họ nhìn chính mình sẽ thay đổi cho tới khi chúng đạt tới điểm đồng nhất. Nhà tù sẽ dần tước mất đi của tù nhân những thứ đẹp đẽ nhất trong tâm hồn của họ như hy vọng, mơ ước hay hạnh phúc bằng cách đối xử với họ theo một cách khắc nghiệt nhất. Và tù nhân cũng đồng thời quên đi cái cách mà họ đã được tôn trọng như một người bình thường khi họ bắt đầu quen với cuộc sống trong tù. Họ không thể ước mơ về những điều cao đẹp hơn vì họ biết rằng, hy vọng sẽ bào mòn họ vì họ sẽ không bao giờ có được chúng. – “Hope can drive the man insane.”
Trường hợp này cũng có đôi nét giống với những gì mình được đọc trong những tài liệu về thời kỳ tàn khốc diệt chủng người Do Thái, chiến tranh Việt Nam hay với những người đã từng bị đối xử tàn bạo thời thơ ấu: những di chấn tâm lý để lại trong nạn nhân là quá lớn để có thể xóa nhòa. Và những ký ức phân ly đó đã gây ra biết bao những thương tổn cho người bị ảnh hưởng, ngay cả việc ngăn họ sống ở hiện tại và tin tưởng vào tương lai. Mình đã có viết một Series “Sang chấn tâm lý” về những gì mình học được từ cách nhận biết những chấn thương hậu sang chấn đến cách một người nhận thức được họ đã bị ảnh hưởng tâm lý và cách để phục hồi những thương tổn hậu sang chấn. Đó là những bài viết đầu tiên trên blog này, nếu muốn bạn có thể tìm đọc. (do mình vẫn chưa nâng cấp để gắn link trong từ khóa được nên có thể hơi bất tiện một chút)
Mình nhìn thấy cách nhìn cuộc sống khác biệt của tù nhân sau những gì họ phải trải qua cũng giống như một số đối tượng mình vừa kể trên. Và mình thắc mắc là, liệu điều gì có thể giúp? Trong một khoảng thời gian dài, mình tìm kiếm tất cả những gì có thể để nhìn ra được vấn đề và học cách làm lành những thương tổn. Nhưng cho đến khi vô tình tìm ra thông điệp của bộ phim này, mình mới có một sự biến chuyển sâu sắc hơn cả.
“There’s something inside that they can’t get to, that they can’t touch. It’s yours. Hope. You need it so you don’t forget.”
– “Có một cái gì đó bên trong bạn mà họ không thể với tới, thứ mà họ không thể chạm vào. Nó là của bạn. Hy vọng. Bạn cần có nó để bạn không quên.”
Trong bộ phim này, Andy khác biệt với tất cả các tù nhân khác. Khác ở chỗ anh luôn nhắc về mọi thứ theo một cách thật đặc biệt: về âm nhạc, về hy vọng, về những điều mà chỉ cần anh không quên, chúng sẽ không bao giờ mất đi. Mặc dù trong tù ngục, anh cũng không ngừng tìm kiếm những cơ hội để được làm việc, để được học tập và để được mang tới cơ hội học tập cho những người bạn của anh.
Có một thứ đã giúp Andy giữ vững được chính mình ra khỏi những ràng buộc tâm lý trong tù ngục và đó chính là sự tin tưởng. Andy tin về một hiện thực khác với những gì đang hiện hữu. Mà theo mình nghĩ, điều anh tin tưởng mạnh mẽ nhất chính là những điều đẹp đẽ còn sót lại trong tâm hồn ấy. Anh luôn nhắc lại chúng để ghi nhớ rằng chúng còn tồn tại.
Trong phân đoạn khi Andy tìm được đĩa nhạc của hai nữ ca sĩ người Ý trong đống sách cũ, anh đã phát cho tất cả tù nhân trong nhà tù Shawshank. Dưới đây là một đoạn thoại ghi lại rất chân thực và sống động những cảm tưởng của tù nhân tại thời điểm đó.
“I tell you, those voices scared higher and farther than anyboby in a gray place dares to dream. It was like a beautiful bird flapped into our drab cage and made those walls dissolve away. And for the briefest of moments, every last man at the Shawshank felt free.”
– “Tôi nói cho bạn biết, những giọng hát đó cao hơn và xa hơn bất kể một ai ở một nơi xám xịt nào dám mơ ước. Nó giống như một chú chim xinh đẹp vỗ cánh của nó vào chiếc lồng buồn tẻ của chúng tôi và làm cho những bức tường tan biến. Và trong khoảnh khắc ngắn ngủi, mọi người đàn ông cuối cùng ở Shawshank cảm thấy tự do.”
Câu thoại này hay cái cách mà Andy nhìn nhận về Hy vọng có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới mình. Đôi khi việc nhìn nhận một thứ có thể quá cao và quá xa khỏi tầm với có thể khiến một người mất hết đi niềm hy vọng. Nhưng những trói buộc và khuôn khổ suy cho cùng cũng chỉ là rào cản mỗi chúng ta tự đặt ra cho chính mình. Đôi khi nó lớn mạnh và chi phối đến một nửa phần đời của bạn. Nhưng một nửa cũng chỉ là một phần cuộc đời, như Red đã nói “The part that’s count“. Hoặc theo một ý nghĩa khác, chỉ cần một nửa còn lại là đủ, “The part that’s count“.
2. Suy nghĩ của mình về bộ phim
Có một thứ mình vừa học được sau bộ phim này chính là sức mạnh của “những điều tốt đẹp“. Về sau khi viết những dòng này, mình còn nhận ra sự hiện hữu của một thứ sức mạnh khác – gọi là “tri thức”.
Có thể nói khi một người phạm phải những sai lầm, cái giá phải trả lớn nhất mà họ phải trả là khi họ không thể sống mà chỉ đang tồn tại. Họ không được phép sống trong những môi trường có thể thúc đẩy bản thân phát triển những cảm xúc cao đẹp như tình yêu, hy vọng và hạnh phúc. Hoặc là họ ngăn bản thân được sống với những điều tốt đẹp đó hoặc là xã hội không cho phép họ được nghĩ về chính mình theo một cách như vậy. Suy cho cùng, có quá nhiều thứ với những câu hỏi chưa có lời đáp. Mọi thắc mắc về đúng sai cũng không phải là lẽ tự nhiên để noi theo. Chỉ có một thứ sẽ còn sống mãi nếu mình tin tưởng và vững bước theo chúng – chính là “những điều tốt đẹp“.
Ngoài ra, mình cũng phải thừa nhận rằng, đúng là sẽ có những trường hợp chỉ duy sự cố gắng là không đủ. Sẽ có lúc ngoài sự đối chọi trong tâm tưởng và mong muốn vượt ra khỏi rào cản, mình không thể làm bất kỳ một điều gì khác hơn. Đôi khi trong một xã hội thu nhỏ, sự tác động của người khác là điều không thể tránh khỏi. Và rất nhiều những điều khó lòng thay đổi nữa mà mình buộc phải chấp nhận để tránh dành sự hy vọng cho những thứ không thể đạt được.
Mình cũng đồng thời phát hiện ra một nơi không có sự tồn tại của cạnh tranh, so sánh, đố kị hay mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ, mà chỉ có sự dẫn dắt của niềm tin, tình yêu, hy vọng. Chính từ những sự ham thích rất nhỏ trong “mong muốn được biết” đã tiếp sức cho mình thực hiện những điều mình tin là đúng. Và nhắc nhở mình trở về với những điều tốt đẹp khi mình vô tình đi lạc hướng. Như câu quotes mà mình thích nhất trong bộ phim này:
“Hope is a good thing, maybe the best of things and no good things ever die.”
– “Hy vọng là một điều tốt, có thể là những điều tốt nhất trong những điều tốt đẹp và không có điều tốt đẹp nào chết đi.”
Ngoài ra, suy nghĩ về “tri thức” và “giáo dục” của mình cũng đã được củng cố phần nào thông qua bộ phim này. Khi sự ảnh hưởng của niềm tin từ “giáo dục” tác động tới một người đủ lâu, chính nó sẽ làm thay đổi con người anh ấy. Và việc lựa chọn sống trong một môi trường có thể nuôi dưỡng những điều tốt đẹp là một yếu tố vừa chủ quan vừa khách quan mà một người có thể tác động được. Hay nói cách khác, khả năng tự do lựa chọn có thể giúp một người thay đổi cuộc sống của chính mình.
Riêng về “tri thức“, theo mình nghĩ đó là con đường duy nhất của một người để thay đổi. Càng biết nhiều hơn về thế giới, một người sẽ càng gia tăng khả năng kiểm soát cuộc sống của anh ấy. “Tri thức” biến một người trở nên tự do hơn vì anh ấy biết đến sự tồn tại của những điều khác bên ngoài xã hội mình đang sống. Và chính điều đó sẽ nuôi dưỡng nhiều hơn trong anh niềm tin, tình yêu, hy vọng để khám phá ra những thứ năng lực tìm ẩn trong chính mình.
3. Trải nghiệm hiện thực của mình
Liên kết với bài viết này, mình thấy có một thứ tương tự như môi trường mà mình có thể so sánh, đó là chất xúc tác trong hóa học. Để chia sẻ về quá trình đó, mình sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện: “Về hóa học và những kiến thức“.
Mình đã từng được học về phản ứng hóa học, về những thứ như năng lượng hoạt hóaa, năng lượng liên kết, mật độ, nhiệt độ, tần số, tốc độ phản ứng, kích thước, hình dạng của phân tử để một phản ứng có thể xảy ra. Mình sẽ dùng những con số để giải thích quá trình đó, và tiến hành định lượng nó qua những phương trình cụ thể. Vâng, chính xác là dùng toán học để ước tính được đâu là ngưỡng cần thiết để A + B -> C.
Phía trên là một bài toán hóc búa mà trong một khoảng thời gian rất dài mình không hiểu được đề bài chứ chưa nói đến là đi tìm lời giải. Nhưng mới đây mình lại tìm hiểu về chúng và mình thực sự tò mò về điều gì đang diễn ra. Thật bất ngờ thay, khi trong đầu mình xuất hiện đúng những câu hỏi, mình đã tìm được câu trả lời phù hợp cho chúng. Đôi khi nó chỉ phù hợp trong những ngữ cảnh nhất định nhưng ít nhất thì mình hiểu được bản thân đang làm gì. Và sự học, theo mình, cũng nên được xây dựng theo cách thức tương tự.
Bạn có biết phản ứng A + B -> C sẽ chỉ xảy ra khi các phân tử trong một chất đạt được đến trạng thái nhất định (gọi là trạng thái cân bằng). Trong quá trình đó, các chất khi tiếp xúc với nhau sẽ tạo ra những liên kết và giải phóng năng lượng (gọi là năng lượng liên kết). Và năng lượng cần thiết để một phản ứng đạt được tới điểm cân bằng lại gọi bằng một cái tên khác (gọi là năng lượng hoạt hóa). Năng lượng hoạt hóa phần lớn là do sự va chạm lẫn nhau của các tiểu phân (kết cấu nhỏ hơn của phân tử) trong một chất. Mà sự va chạm lại phụ thuộc vào rất nhiều những yếu tố, ví như: nhiệt độ, kích thước, hình dạng, sự định hướng trong không gian,… của các tiểu phân hoặc môi trường phản ứng để tới được ngưỡng cần thiết. Trong một số trường hợp: chỉ duy năng lượng liên kết là không đủ, còn cần có một năng lượng khác (gọi là năng lượng kích hoạt) để thực hiện phản ứng. Và năng lượng đó được lấy từ chất xúc tác. Một chất làm tăng tốc độ phản ứng mà không bị tiêu thụ trong phản ứng. Đối với chất xúc tác còn có nhiều vấn đề hơn để nói đến như bản chất chúng hoạt động như thế nào, các phương trình để giải thích sự hoạt động đó, tính toán được lượng nhiệt cần thiết hoặc tốc độ cần thiết cho một phản ứng dựa trên năng lượng liên kết của các chất cụ thể,… vân vân và mây mây.
Những điều mà mình vừa nói đến không phải là kiến thức mình đã học tại trường lớp, mà chỉ là câu trả lời cho câu hỏi mình tự đặt ra về “chất xúc tác” để đưa vào dẫn chứng trong bài này. Tình cờ thay, trong quá trình tìm hiểu, mình lại nhận ra một số từ khóa đã được học từ lâu như: năng lượng liên kết, hoạt hóa, kích thích, tốc độ phản ứng, nhiệt độ phản ứng, hằng số R,… Mình nhận ra là, sự học chỉ có ý nghĩa khi đi cùng với “mong muốn được biết“. Mình vẫn thường nói về sự chủ động trong học tập và đưa ra những lời định nghĩa cho chúng, như chủ động tìm kiếm tài liệu, chủ động chuẩn bị bài, chủ động làm trước bài tập. Nhưng cho tới lúc đó mình vẫn chưa nhận thức được rằng, bản thân phải lùi ra một bước để nhìn nhận về những gì thực sự đang diễn ra. Và suốt bao nhiêu năm trường lớp, đó mới chính là điều mình cần phải tìm kiếm, chính là đi tìm “mong muốn được biết”.
Và để tìm thấy “mong muốn được biết”, mình mới cần đến “giáo dục”. Đó chính là môi trường hoặc cũng có thể coi là chất xúc tác cho phản ứng xảy ra. Một phản ứng để những gì mình có và những gì mình tìm thấy ở thế giới tương tác với nhau, bắt gặp nhau ở trạng thái cân bằng và nở rộ.
Để một điều kỳ diệu được tạo ra ….
————————
Vậy là đã kết thúc hai bài viết của mình về bộ phim “The Shawshank Redemption”. Thú thật mình đã xem bộ phim này từ lâu nên việc viết lại có đôi chút khó khăn. Tuy vậy, mình đã học được nhiều thứ khi xem lại bộ phim ở thời điểm này và việc viết về chúng đã giúp mình khám phá ra những điều mà trước giờ chưa từng nghĩ đến. Sau tất cả, mình rất cảm ơn bạn vì đã đọc hết đến đây và cảm ơn vì đã ghé thăm blog của mình. Mình sẽ quay trở lại trong những bài viết sắp tới, hẹn gặp lại nhé^^
-Aleneutral-
[…] Mình mong là, trong năm 2022 sắp tới, cô ấy vẫn có thể sống mạnh mẽ như vậy. Từng ngày trôi qua không cần sự công nhận, nhưng có mình biết – rằng cô ấy đã làm hết sức mình vì những điều tốt đẹp. Và tất cả chúng đều xứng đáng với những điều đẹp đẽ nhất. Hope is a good thing, maybe the best of things and no good thing ever dies. […]
[…] nghĩ rằng chỉ có hai điều mình mong đợi bản thân sẽ luôn duy trì, đó là sự hy vọng và tinh thần tích cực. Trong năm 2023, mình chỉ mong bản thân có thể luôn giữ […]